Thỏa thuận OPEC: Bước chuyển lịch sử trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran

07:47' - 01/10/2016
BNEWS Việc các nước OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô ở những phút chót đã đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran.
Cuộc họp của OPEC đã đi đến quyết định cắt giảm sản lượng dầu xuống mức 32,5-33 triệu thùng/ngày. Ảnh: Quang Hồng - Thanh Bình/TTXVN

Cuộc họp không chính thức của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), diễn ra bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế lần thứ 15 tại Algiers, vừa kết thúc hôm 28/9 với một quyết định bất ngờ các quốc gia thành viên là nhất trí cắt giảm sản lượng dầu xuống mức 32,5-33 triệu thùng/ngày.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch OPEC Mohamed Salah Assada tuyên bố cuộc họp tuy kéo dài nhưng mang tính lịch sử. Quan chức này cũng nhấn mạnh dù thị trường chỉ ra những dấu hiệu tích cực, song OPEC vẫn cần phải thúc đẩy tái cân bằng thị trường.

Những cách thức thực hiện thỏa thuận trên sẽ được bàn luận tại cuộc họp tới của OPEC vào tháng 11 ở Vienna (Áo). Ông Assada cho hay một Ủy ban kỹ thuật cấp cao sẽ được thành lập để xác định cơ chế cắt giảm sản lượng cho mỗi nước.

Bên cạnh đó, OPEC cũng sẽ tiến hành đối thoại với các nước ngoài khối, nhất là Nga - nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới - cũng đã từng bày tỏ ủng hộ “đóng băng” sản lượng, để tham gia vào nỗ lực tái cân bằng thị trường. Ông Assada cho biết các nước thành viên OPEC cũng đã chấp thuận trường hợp của Iran, Nigeria và Libya sẽ được xử lý theo cách đặc biệt.

Quyết định của OPEC đi ngược lại với dự đoán của giới chuyên gia, những người quan ngại rằng bất đồng giữa Saudi Arabia và Iran sẽ làm "tiêu tan" hy vọng về khả năng các nhà sản xuất trong OPEC có thể tìm được tiếng nói chung, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên trong vòng tám năm trở lại đây, tổ chức này đạt được một thỏa thuận về cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ chỉ có tác động hạn chế. Trong khi Capital Economics cho rằng thỏa thuận này vẫn chưa đủ để hỗ trợ giá dầu thì các nhà phân tích thuộc BMO Capital Markets lại nhận định hạn ngạch sản lượng mà OPEC đưa ra luôn không được các nước thành viên tuân thủ.

Thỏa thuận OPEC đã tạo ra bước chuyển lịch sử trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran. Ảnh: reuters

Việc các nước OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô ở những phút chót đã đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước này đã trở nên khá căng thẳng từ năm 2014 liên quan đến những vấn đề chính trị.

Các nhà phân tích ghi nhận, sự đồng thuận mới giữa Saudi Arabia và Iran lần này cho thấy vai trò hỗ trợ và điều phối của Nga, Algeria và Qatar đã giúp chính phủ hai nước vượt qua được những khác biệt. Trước đó, vào tháng 4/2016, những nỗ lực để đóng băng sản lượng dầu của OPEC đã bị sụp đổ tại cuộc họp ở Doha (Qatar), sau khi Saudi Arabia yêu cầu Iran cũng phải tham gia thỏa thuận này.

Thông tin tích cực từ OPEC ngay lập tức đã đẩy giá dầu trên các sàn giao dịch quốc tế tăng hơn 5%, giữa bối cảnh các thị trường vốn không trông đợi điều bất ngờ từ cuộc họp ở Algiers.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Noureddine Boutarfa đã cảnh báo rằng giá dầu sẽ giảm sâu từ khoảng 45 USD/thùng hiện nay xuống có thể chỉ còn 30 USD/thùng, nếu cuộc họp không chính thức của OPEC không thể đi đến một thỏa thuận về "đóng băng" sản lượng.

OPEC, hiện chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng dầu của thế giới, và các nhà sản xuất lớn khác đã và đang chật vật trong việc ứng phó với tình trạng lao dốc của giá dầu.

Sự bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua, từ mức đỉnh điểm 115 USD/thùng hồi tháng 6/2015 xuống dưới 30 USD/thùng đầu năm 2016, trước khi hồi phục lên khoảng 45 USD/thùng hiện nay.

OPEC hiện đang cân nhắc bốn lựa chọn để các thành viên cùng với Nga, nhà sản xuất nhiều dầu ngoài OPEC, thống nhất "đóng băng" và giữ sản lượng ở các mức của tháng Một hoặc tháng Tám năm nay, hoặc ở mức trung bình của quý I/2016 hay của nửa đầu năm 2016.

Trong khi đó, chuyên gia Abhishek Deshpande, trưởng bộ phận phân tích thị trường dầu mỏ thuộc ngân hàng Natixis (Pháp), nhận định "hiện trên thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đang tràn ngập nguồn cung. Nếu OPEC không hành động, giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực đi xuống".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục