Logistics và thương mại điện tử vẫn thiếu sự liên kết

17:22' - 10/04/2018
BNEWS Logistics và thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển trong tương lai. Thế nhưng, thương mại điện tử muốn phát triển không thể thiếu dịch vụ logistics.

Thương mại điện tử - lĩnh vực có giá trị hàng trăm nghìn USD đang là thị trường hết sức tiềm năng cho các doanh nghiệp logistics (hậu cần). Đón đầu cơ hội này, không ít các doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ để đáp ứng nhu cầu giao nhận, vận chuyển hàng hóa cả trong nước và quốc tế phục vụ thương mại điện tử trong năm nay.

Tuy nhiên, tại Hội thảo ''Logistics và Thương mại điện tử: Đồng hành cùng phát triển" do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số- Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/4 tại Hà Nội, nhiều ý kiến vẫn cho rằng thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp logistics và thương mại điện tử.

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, logistics và thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển trong tương lai. Thế nhưng, thương mại điện tử muốn phát triển không thể thiếu dịch vụ logistics.

Theo ông Trần Thanh Hải, thời gian vừa qua mặc dù đã có sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistics nhưng vẫn bộc lộ nhiều điểm bất cập, khó khăn như chưa có Luật về E-Logistics (dịch vụ hậu cần điện tử), quy định về giao thông thay đổi thường xuyên, thủ tục hành chính phức tạp, thiếu nhân lực có trình độ và kinh nghiệm, việc ứng dụng công nghệ trong E-Logistics còn thấp…

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, dịch vụ logistics hiện nay của Việt Nam đang ở tầm trung bình của khu vực với những doanh nghiệp dịch vụ phát triển và đi đầu nhất là trong lĩnh vực công nghệ.

Mặc dù Việt Nam nhiều doanh nghiệp có những vị trí mang tính dẫn dắt trong khu vực nhưng xét tổng quan vẫn cần phải được cải thiện nhiều.

Bên cạnh những nỗ lực từ phía Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cần chủ động hơn trong công việc để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, những nền tảng pháp lý cho phù hợp và hài hòa.

Theo ông Đào Trọng Khoa, dịch vụ B2C (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) được đảm nhận bởi những doanh nghiệp mới thành lập và phát triển star up chưa có nhiều kinh nghiệm đảm nhận về logistics truyền thống.

Chính vì vậy việc phối hợp về dịch vụ giữa 2 bên doanh nghiệp logistics truyền thống và logistics khởi nghiệp tập trung vào mảng thương mại điện tử là hết sức cần thiết. Hơn nữa, sự phối hợp này nếu được làm tốt sẽ thúc đẩy cho sự phát triển của cả 2 lĩnh vực về thương mại điện tử và logistics.

Vì thế, các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics có nắm bắt được cơ hội này hay không sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bên cạnh những quy định của pháp luật, nền tảng của các khung pháp lý đã được thuận lợi hay chưa trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics phát triển còn phải để ý đến các yếu tố khác như công nghệ. Bởi hiện công nghệ đang là rào cản cho những doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia sâu vào lĩnh vực thương mại điện tử.

Ông Đào Trọng Khoa cũng chia sẻ thêm, gần đây Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tổ chức hội thảo số hóa cho lĩnh vực vận tải và logistics có đề cập rất sâu vào việc làm sao có thể số hóa được lĩnh vực vận tải và logistics để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của thương mại điện tử.

Mặc dù các doanh nghiệp ngành logistics đều đang cải thiện cố gắng để làm tốt hơn nhưng chưa có đơn vị nào đó có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của doanh nghiệp thương mại điện tử.

Do đó, nếu các doanh nghiệp biết liên kết lại với nhau và tận dụng được thế mạnh để tạo ra dịch vụ trên nền tảng của dịch vụ có sẵn có thể đáp ứng tối đa yêu cầu của khách hàng và thúc đẩy phát triển trong tương lai.

Toàn cảnh Hội thảo Logistics và thương mại điện tử. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Express, nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử đang là yêu cầu cấp bách.

Việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp logistics đang là điểm yếu của thương mại điện tử Việt Nam và điều này cũng đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics.

Tại hội thảo, nhiều nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận như cơ hội của thương mại điện tử và ý nghĩa đối với logistics tại Việt Nam; xu hướng thương mại điện tử và thách thức về logistics; hợp tác giữa logistics và thương mại điện tử để hỗ trợ xuất khẩu...

Theo các đại biểu, dịch vụ logistics tại Việt Nam ở tầm trung bình của khu vực, để logistics phát triển đồng hành cùng thương mại điện tử cần phải cải thiện nhiều mặt mà chủ yếu nằm ở sự chủ động của các doanh nghiệp.

Đối với cả khách hàng và người bán, việc đẩy nhanh tốc độ giao hàng cũng ngày càng quan trọng không kém gì chất lượng sản phẩm. Khi thị trường tiếp tục phát triển, triển vọng dài hạn của thương mại điện tử Việt Nam phụ thuộc vào sự phát triển của một hệ thống logistics tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành./.

>>> Xu hướng số hóa trong vận tải và logistics

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục