Giảm chi phí logistics là cách tăng lợi nhuận hiệu quả nhất cho doanh nghiệp

16:05' - 15/03/2018
BNEWS Hoạt động quản trị chuỗi cung ứng (logistics) là một trong những ngành dịch vụ quan trọng trong thương mại, nhưng lĩnh vực này của Hà Nội còn rất yếu và thiếu đồng bộ.
Cảng Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Nguyên nhân là do chất lượng cơ sở hạ tầng vận tải thiếu đồng bộ, quản trị chưa chuyên nghiệp, cộng thêm nhiều loại phí khiến giá thành đội nên khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Do vậy, các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong lĩnh vực này đang yếu thế so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 

Qua khảo sát về cơ sở hạ tầng vận tải của Hà Nội như kho, bãi, cảng, sân bay… năm 2017 của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, với thang điểm từ 1 đến 5 thì các doanh nghiệp chỉ được chấm đến 2,9 điểm do cơ sở hạ tầng vận tải của Hà Nội thiếu đồng bộ và còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, với các kho bãi tập kết hàng, hầu hết đều có quy mô đầu tư đơn giản, thiếu liên kết.

Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội cũng đang duy trì hệ thống kho, bãi container phục vụ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại 2 cảng thông quan nội địa là Mỹ Đình và Gia Lâm, nhưng mới chỉ cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, cho thuê bãi và một số dịch vụ liên quan.

Hệ thống giao thông phục vụ các cảng này mới chỉ sử dụng đường bộ, mà chưa kết nối được với đường sắt, đường thủy.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam còn cao, tương đương khoảng 21% GDP, trong khi của các nước phát triển trung bình chỉ từ 10-14%, đây là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia về giao nhận vận tải Việt Nam, các doanh nghiệp logistics trong nước chỉ đáp ứng 25% nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, hầu như không nhà cung cấp dịch vụ logistics nào cung cấp được dịch vụ vận chuyển xuyên suốt toàn lãnh thổ Việt Nam kết nối với thị trường quốc tế với chi phí cạnh tranh, mà phải qua các nhà cung cấp dịch vụ của từng chặng.

Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã giành được khoảng 70% thị trường nhờ tính chuyên nghiệp, mạng lưới rộng khắp và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất, nhập khẩu đồ gỗ nội thất (quận Hoàn Kiếm- Hà Nội) chia sẻ, xét về một lô hàng xuất khẩu, các chi phí mà doanh nghiệp phải trả là rất lớn.

Đó là chi phí thủ tục hải quan thông quan xuất khẩu, chi phí vận tải nội địa (phí cầu phà, đường cao tốc), phí làm vận đơn; phí và phụ phí vận tải bị các hãng tàu tự ý nâng, thu của chủ hàng....

Đây là nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng của các nước trong khu vực.

Không chỉ chi phí vận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài làm đội giá thành, mà ngay từ các tỉnh lân cận vận chuyển về Hà Nội cũng là vấn đề không nhỏ.

Đó là nhận xét của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh nông sản sạch về Hà Nội. Doanh nghiệp này cho biết, nếu bình quân 1 kg rau sạch từ Yên Lạc (Vĩnh Phúc) về đến quận Cầu Giấy (Hà Nội) mất 2.500 đồng/kg, nhưng nếu vận chuyển sang Gia Lâm thì phí vận chuyển tăng thêm khoảng 1.200 đồng/kg.

Do hệ thống giao thông của Hà Nội mới chỉ hướng tâm chứ chưa phát triển hệ thống giao thông bàn cờ, khiến chi phí cho sản phẩm bị đội lên.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Hà Nội cần quan tâm đến ba nhóm giải pháp là phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế chính sách.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giảm chi phí logistics được coi là cách tăng lợi nhuận hiệu quả nhất cho doanh nghiệp.

Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án "quản lý và phát triển hoạt động logictics trên địa bàn thành phố đến năm 2025" với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực.

Theo đó, Hà Nội sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, kết hợp hài hòa các nguồn vốn, chú trọng huy động nguồn vốn xã hội hóa để đẩy mạnh đầu tư các cảng, sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ, các cảng thông quan nội địa, kho bãi… theo quy hoạch, kế hoạch và lộ trình bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển logistics của Hà Nội và cả nước.

Với đường bộ, thành phố sẽ tập trung cải tạo, mở rộng các tuyến đường hướng tâm hiện tại thành đường có 4-6 làn xe cơ giới, xây dựng các tuyến đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đường vành đai.

Với đường thủy, cải tạo các tuyến đường sông kết nối với các loại hình vận tải khác như đường bộ, đường sắt…; tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả các điểm thông quan tập trung theo Đề án “địa điểm kiểm tra tập trung đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã được phê duyệt…/.

Xem thêm:

>>>Quy định về kinh doanh dịch vụ logistics

>>>Trung Quốc và Việt Nam thiết lập “hành lang logistics vàng”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục