Lương và năng suất lao động – cầu nối cho phát triển

07:00' - 03/10/2015
BNEWS Việc tăng lương tối thiểu sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động. Tuy vậy, việc này sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp?
Singapore là nước dẫn đầu khu vực ASEAN, khi trung bình một người lao động ở nước này nhận được 44.352,55 USD/năm tiền lương. Ảnh: THX-TTXVN

Công ty tư vấn nhân sự hàng đầu thế giới Mercer gần đây dự đoán các thị trường mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục dẫn đầu thế giới về tăng trưởng lương thực tế, cao hơn 20-30% so với các thị trường phát triển ở Mỹ và châu Âu. Mức lương ở các nước châu Á - Thái Bình Dương ước chỉ tăng nhẹ vào năm nay và vẫn thấp hơn so với trước thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Thông thường, việc tăng lương tối thiểu sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động. Tuy vậy, việc này sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp và doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó ra sao?

Câu trả lời là việc tăng lương sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp vì vậy họ cần phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư vào công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động nhằm tăng năng suất lao động, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Tăng lương...

Nhu cầu lớn về nhân lực của lĩnh vực dầu khí Canada. Ảnh Reuters

Mercer cho hay mức lương tăng lên ở một số thị trường mới nổi như Indonesia (In-đô-nê-xi-a) và Ấn Độ tiếp tục duy trì ở mức hai con số hoặc một con số song ở mức cao, nhưng mức độ tăng tiền lương thực tế tại các thị trường có lẽ tiếp tục ở mức thấp do tỷ lệ lạm phát cao ở các nước này. Việc tăng lương thực tế được tính bằng công thức tăng lương trừ đi tỷ lệ lạm phát.

Ví dụ, mức tăng lương của Indonesia trong năm 2015 dự kiến là 9,4% nhưng lương thực tế chỉ tăng có 2,2%, vì tỷ lệ lạm phát dự kiến là 7,2% cho năm 2015. Trong khi mức lương tối thiểu ở các nước như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan vẫn tiếp tục tăng khoảng 12%/năm trong 3-4 năm qua.

Trong khi đó, theo báo cáo của ILO, trong năm 2013, thu nhập hàng năm ở châu Á tăng trung bình 6%, cao hơn mức tăng trung bình của thế giới (2%), Đông Nam Á (5,3%) và Nam Á (2,4%). Trung Quốc là nhân tố quan trọng góp phần vào mức tăng trưởng thu nhập tích cực nói trên của châu Á, giúp số liệu tương ứng của Đông Á tăng 7,1%.

Còn theo thống kê của hãng tin CNN, người lao động tại một số quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Hàn Quốc hay Đức được hưởng đãi ngộ cao hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Cụ thể, mức lương trung bình tại Mỹ là 42.966 USD/năm. Tại Hàn Quốc và Đức, con số này lần lượt là 40.791 USD và 38.910 USD.

Trong số các quốc gia thuộc ASEAN, Singapore (Xinh-ga-po) dẫn đầu khu vực, khi trung bình một người lao động ở nước này nhận được 44.352,55 USD/năm tiền lương. Con số này thuộc nhóm đầu của thế giới, và cao hơn tổng lương trung bình năm của 10 nước còn lại trong khu vực. Tiếp theo là Brunei (Bru-nây), Malaysia (Ma-lai-xi-a), Thái Lan và Philippines (Phi-líp-pin), trong đó lương trung bình của lao động Thái Lan là 4.421 USD/năm.

... có giúp tăng năng suất?

Lao động làm việc trong ngành công nghiệp ô tô Đức. Ảnh: Reuters

Theo Báo cáo Năng suất 2014 của Tổ chức Năng suất châu Á, nếu tính năng suất lao động theo giờ công, trong năm 2012, một giờ lao động của một người lao động Singapore tạo ra được 49,5 USD giá trị gia tăng, người Nhật Bản tạo ra 38,4 USD, người Hàn Quốc tạo ra 24,4 USD, người Malaysia tạo ra 20,5 USD…

Còn Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới đây công bố một báo cáo về năng suất lao động của các nước trên thế giới, trong đó cho hay Mỹ dẫn đầu thế giới về năng suất lao động tính theo giá trị mỗi giờ làm việc. Cụ thể, mỗi lao động Mỹ trung bình làm ra được lượng sản phẩm trị giá 63.885 USD/năm, tiếp theo là lao động Ireland (Ai-len) với 55.986 USD/năm, Luxembourg với 55.641 USD/năm, Bỉ 55.235 USD/năm và Pháp 54.609 USD/năm.

Theo ILO, Mỹ có năng suất cao nhất thế giới là nhờ người lao động Mỹ có thời gian làm việc trong văn phòng, nhà máy hoặc nông trại lâu hơn người lao động tại châu Âu và phần lớn các nước giàu khác.

Mức tăng năng suất lao động của Mỹ cao hơn các nước phát triển khác một phần là do người lao động Mỹ thường xuyên làm quá giờ. Mỹ vượt qua 27 quốc gia, gồm 25 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Thụy Sỹ, về giá trị năng suất lao động tính trong một giờ.

Tuy nhiên, nếu tính năng suất lao động dựa trên thời gian làm việc thì Na Uy đạt giá trị năng suất cao nhất là 37,99 USD/giờ nhờ doanh thu xuất khẩu dầu thô ở mức “khủng” và giá cả hàng hoá tại nước này cũng tăng lên. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Mỹ với 35,63 USD và Pháp với 35,13 USD.

Quan chức phụ trách vấn đề việc làm của ILO Jose Manuel Salazar cho rằng việc năng suất lao động của Mỹ tăng gắn liền với cuộc cách mạng công nghệ thông tin và viễn thông, phương thức tổ chức làm việc của các công ty Mỹ, năng lực cạnh tranh cao và việc mở rộng thương mại và đầu tư ra nước ngoài.

Cũng theo đánh giá của ILO, năng suất lao động ở Trung Quốc và một số nước Đông Á đạt nhịp độ tăng nhanh nhất cho dù những quốc gia này đứng sau trong bảng xếp hạng.

Trong một thập niên qua, năng suất lao động trong khu vực Đông Á đã tăng cao và đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, nhờ tích cực áp dụng công nghệ tân tiến. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là người lao động ở khu vực Đông Á có năng suất lao động mới chỉ bằng 20% so với người lao động ở các nước công nghiệp.

Anh Quân (Tổng hợp)

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục