Lý do khiến kinh tế Nga khó đạt mục tiêu tăng trưởng 2%

05:30' - 04/03/2018
BNEWS Báo Gazeta.ru (Nga) số ra mới đây có bài viết nhận định mức tăng trưởng kinh tế 2% mà các quan chức Nga dự đoán là khó có thể đạt được, thậm chí trong vòng 7 năm tới.
Tình hình kinh tế Nga cuối cùng vẫn phải phụ thuộc nhiều vào giá dầu. Ảnh: AFP/TTXVN 

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế còn đưa ra một số tín hiệu khẳng định rằng sẽ xảy ra sự suy thoái. Mặc dù số liệu kinh tế tích cực diễn ra trong tháng 1/2018, nhưng các chuyên gia đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Nga đến năm 2022 với nhận định rằng có khả năng trong năm nay kinh tế Nga sẽ lặp lại tình hình của năm 2017, khi mức tăng trưởng trong tháng Một năm ngoái biến chuyển thành một sự suy giảm.

Mặc dù các dự báo đồng thuận cho năm nay và năm sau vẫn không thay đổi, nhưng các nhà kinh tế đang cảm nhận được sự suy thoái.

Trưởng Trung tâm phân tích các chương trình xã hội và rủi ro thuộc Viện chính trị xã hội của Trường kinh tế cao cấp Sergey Smirnov đã viết trong một bản báo cáo rằng: “Nếu chú ý tới các dự báo đồng thuận thì hiện mức tăng trưởng 2% sẽ khó có thể nhìn thấy được, thậm chí trong triển vọng 7 năm tới đây.

Điều này có nghĩa là vị trí của Nga trong nền kinh tế toàn cầu sẽ liên tiếp xấu đi trong một thời gian khá dài sắp tới”.

Cuộc khảo sát của Trường kinh tế cao cấp về tầm nhìn kinh tế Nga trong giai đoạn 2018-2019 và đến năm 2024 có sự tham gia của 26 chuyên gia đầu ngành của Nga và nhiều quốc gia khác, theo đó cho rằng trong vài năm tới, tăng trưởng GDP của Nga sẽ thấp hơn con số dự báo chính thức, và từ nay cho tới năm 2022, các kỳ vọng đều trở nên xấu đi.

Nhìn chung, dự báo đồng thuận của các chuyên gia đang cho thấy mức tăng trưởng GDP thực tế trong năm 2018 sẽ là 1,7%, năm 2019-2020 sẽ ở mức 1,6%, năm 2021 ở mức 1,8%, và đến năm 2022 lại một lần nữa rơi xuống mức 1,6% (trước đó các dự báo đưa ra là ở mức 2%).

Trong khi đó, theo dự báo chính thức của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, tăng trưởng GDP trong những năm tới sẽ cao hơn mức 2%. Năm 2018, con số này sẽ là 2,1%, sang năm 2019 sẽ là 2,2% và năm 2020 sẽ là 2,3%.

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Maksim Oreshkin phát biểu hôm 22/2 tai cuộc gặp với Đại diện Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản rằng “các số liệu mới nhất trong tháng 1/2018 cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Nga ở mức 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường nội địa và nhu cầu đã quay trở lại với sự tăng trưởng ổn định”.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Nga Rosstat, một vài chỉ số quan trọng là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kim ngạch bán lẻ, tiền lương đã tăng 2% so với hồi tháng 1/2017. Lĩnh vực sản xuất đã tăng 4,7%. Điều này đảm bảo sự phát triển chung ngành công nghiệp ở mức 2,9%.

Bộ Phát triển Kinh tế cho biết thêm: “Tốc độ tăng trưởng trung bình trong ngành sản xuất, loại trừ các ảnh hưởng của các yếu tố địa phương, thì trong tháng 1/2018 được đánh giá ở mức 2%”.

Sự tăng trưởng sản xuất công nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên các ngành chủ yếu là sản xuất thực phẩm, công nghiệp hoá chất, công nghiệp nhẹ, chế biến gỗ. 

Theo Giám đốc bộ phận phân tích của Loko-Invest Kirill Tremasov, tháng Giêng quả thật có những chỉ số kinh tế khá tích cực, nhưng để đưa ra kết luận cho cả năm thì là rất khó. Năm nay có thể sẽ lặp lại tình hình của năm ngoái, khi mà mới đầu năm thì có tốc độ tăng trưởng nhẹ, nhưng đến cuối năm thì như tất cả đều rõ, nhu cầu gần như không có.

Theo chuyên gia Kirril Tremasov, khó có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 2% trong năm nay mà có thể sẽ nằm ở khoảng từ 1,5% đến 2%.

Nhìn chung, các chuyên gia tin rằng tình hình kinh tế cuối cùng vẫn phải phụ thuộc nhiều vào giá dầu chứ không phải phụ thuộc vào các yếu tố tăng trưởng khác. Giá dầu trung bình trong tháng 1/2018 là 69 USD/thùng, tức là cao hơn 28% so với tháng 1 năm ngoái.

Giá dầu hiện tại thấp hơn một chút so với mức 69 USD, nhưng cơ bản vẫn ở mức khá cao so với năm ngoái, và với giá dầu như vậy thì nền kinh tế Nga có thể vượt qua bất kỳ khó khăn nào. Hôm 27/2, dầu thô thế giới giao dịch quanh mức 66-67 USD/thùng.

Sự ổn định tăng trưởng kinh tế Nga phụ thuộc vào giá năng lượng, hoạt động tiêu dùng, cũng như sự năng động của các hoạt động sản xuất. Xu hướng hiện nay trên thị trường “vàng đen” mang đến hy vọng rằng giá dầu có thể giữ ở mức trên 65 USD/thùng.

Thêm nữa là sự nỗ lực của các nước tham gia Hiệp ước năng lượng nhằm cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ. Theo ý kiến của các đại diện Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông sẽ tuân thủ các nghĩa vụ cắt giảm sản lượng dầu cả sau năm 2018 nếu cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục