Mô hình mới giúp nông dân tiếp cận vốn nhanh nhất

16:35' - 17/03/2018
BNEWS Agribank giúp nông dân tại các xã cách xa trung tâmcó thể tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập và xoá đói giảm nghèo.

Có mặt tại xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018, chúng tôi tình cờ bắt gặp hoạt động giao dịch ngân hàng lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Agribank thử nghiệm điểm giao dịch ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Ảnh: Thành Trung/TTXVN

Đây là một mô hình mới mà Agribank đang triển khai nhằm giúp nông dân tại các xã cách xa trung tâm huyện có thể tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập và xoá đói giảm nghèo.
Ông Vũ Đức Thảo, Chủ tịch UBND xã Yên Bằng cho biết, xã có 10.000 dân với 17 khu dân cư, ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, người dân đi làm thuê, thời vụ, đi may cho các doanh nghiệp…, nhìn chung thu nhập bình quân đầu người khoảng từ 30 đến 38 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Thảo, việc ngân hàng Agribank triển khai giao dịch ngân hàng bằng xe ô tô chuyên dùng, bà con rất phấn khởi. Vì từ UBND xã đến điểm giao dịch của ngân hàng phải mất hơn chục cây số, nay bà con chỉ cần lên UBND xã là có thể thực hiện giao dịch với ngân hàng.

Đông đảo khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Ảnh: Thành Trung/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Bích, ở thôn Nhì, xã Yên Bằng đang chờ vay tiền tại đây cho hay: "Thông qua qua truyền thông của xã tôi mới biết hình thức này, nay lên uỷ ban xã vay 80 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư sản xuất chăn nuôi và cho con đi học đại học".
Bà Bích cho biết, trước đây người dân tại các xã quanh đây muốn vay vốn hoặc gửi tiết kiệm phải đi lên tận trung tâm huyện, cách đây hơn chục cây số, nay có xe chuyên dùng của ngân hàng về tận xã phục vụ, rất tiện lợi.
"Thủ tục vay vốn của ngân hàng nông nghiệp rất đơn giản, tôi chỉ cần mang sổ hộ khẩu và chứng minh thư là có thể vay vốn được. Tôi đang chờ cán bộ ngân hàng hướng dẫn hoàn thiện nốt giấy tờ, chắc đến mai là được giải ngân" - bà Bích phấn khởi nói.
Đó là chỉ là một mô hình mới mà Agribank đang triển khai nhằm giúp người dân tại các xã vùng sâu vùng, vùng xa có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay.
Nam Định còn là cái nôi của mô hình tổ vay vốn, đến nay mô hình này hoạt động rất hiệu quả và đã được nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nói về vai trò của tổ vay vốn, ông Phạm Văn Hướng - Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Định cho biết, trong điều kiện cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt thì tổ vay vốn có ý nghĩa rất lớn đối với Agribank. Tổ vay vốn như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân. Thông qua tổ vay vốn, các hộ trong tổ vay vốn có điều kiện liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, nâng cao thu nhập.
"Hiện Agribank Nam Định đang quản lý hơn 61.000 khách hàng nhưng chỉ có 200 cán bộ, nếu không có tổ vay vốn thì không thể quản lý và tiếp cận hết được các khách hàng cũ chứ chưa nói tới phát triển khách hàng mới", Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Định nói.
“Chúng tôi không từ chối món vay nào kể cả nhỏ nhất, đến bây giờ vẫn có người chỉ vay 5 triệu đồng nhưng ngân hàng vẫn giải ngân bình thường” - ông Hướng khẳng định.
Theo ông Hướng, đối với khách hàng muốn vay vốn của Agribank thì chỉ cần gặp tổ trưởng tổ vay vốn chứ không phải tìm đến cán bộ ngân hàng. Tổ trưởng tổ vay vốn sẽ hướng dẫn khách hàng làm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và sau 2 ngày ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân. Đặc biệt, là những người nông dân có thể tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng mà không cần thế chấp.
Gặp anh Lê Xuân Trường, Tổ trưởng Tổ vay vốn lớn nhất xã Yên Bằng cho biết, hiện tổ vay vốn của anh quản lý có dư nợ khoảng 34 tỷ đồng và có khoảng 80 người vay vốn.
“Cách đây 10 năm, tôi bắt đầu vay vốn của Agribank, hồi đó vay được 60 triệu đồng là to lắm. Sau này, hoạt động kinh doanh phát triển, nay tôi đã vay được tới 1,5 tỷ đồng. Do đó, tôi hiểu rất rõ phải sử dụng hiệu quả đồng vốn vay. Thậm chí, cán bộ ngân hàng chỉ cần hỏi bất cứ hộ nào ở trong thôn, làm ăn có hiệu quả không, tài sản có những gì, thậm chí cái tivi để ở góc nào tôi cũng biết. Bởi trước đây tôi có hơn 10 năm làm trưởng thôn, thường xuyên tham gia tổng điều tra dân số và nhà ở nên tôi nắm rất rõ”.
Cũng nhờ những tổ trưởng như anh Trường nên các khoản Agribank cho vay qua hình thức tổ vay vốn đem lại hiệu quả cao. Nhiều địa phương hầu như không có nợ xấu, người dân bán được nông sản có giá trị là đem tiền tới trả cho ngân hàng. Nhiều hộ đã thoát nghèo, có vốn tiết kiệm còn gửi tiền vào ngân hàng.
Mặc dù công việc kinh doanh cửa hàng tạp hoá của anh Trường luôn bận rộn, nhưng anh vẫn sắp xếp thời gian dành cho việc tư vấn, hướng dẫn cho người muốn vay vốn cũng như đốc thúc việc trả lãi và gốc cho ngân hàng.
Đi trên con đường bê tông nông thôn chạy dài vào xóm 11 xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu (Nam Định), ông Tạ Duy Hiền – Tổ trưởng Tổ vay vốn xóm 11 phấn khởi cho biết: "Kể từ khi chính sách cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn nới rộng ra với các khoản vay tín chấp lên tới 100 triệu đồng cho các hộ dân, nhiều hộ đã có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thoát nghèo, từ đó góp phần đóng góp xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Gia đình ông Phạm Văn Biên và bà Nguyễn Thị Vân, một trong những hộ nghèo khó nhất xóm. Đây cũng là một trong những hộ sử dụng đồng vốn vay của ngân hàng một cách hiệu quả.

Từ khoản vay ban đầu là 50 triệu đồng, sau tăng lên 100 triệu đồng từ Agribank, ông Biên đã mua lại chiếc máy cày cũ để vừa canh tác 8 mẫu ruộng đồng chiêm trũng đấu thầu của xã, vừa cày dịch vụ cho các hộ dân trong thôn.

Đến nay, gia đình ông Biên không những đã xin ra khỏi hộ nghèo mà còn vươn lên thoát nghèo, xây dựng được căn nhà 2 tầng và đầu tư vốn cho 3 người con làm ăn.
Ông Bùi Minh Khước - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu (Nam Định) chia sẻ: “Trước đây, khi triển khai huyện nông thôn mới, tiêu chí đáng lo nhất của nhiều địa phương là thu nhập vì đời sống của nhiều hộ dân vẫn còn khó khăn.

Năm 2013, bình quân thu nhập chỉ đạt 29 triệu đồng/người/năm, nhưng đến nay đã tăng lên 35 triệu đồng và xã đang tiếp tục phấn đấu tăng lên 40 triệu đồng vào năm 2018. Có được kết quả này, vai trò của ngân hàng đầu tư vốn cho người dân là không hề nhỏ”.
Theo ông Khước, Nghị quyết của xã đẩy mạnh tuyên truyền mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng… nên có nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư nuôi trồng thủy sản cho thu nhập gấp nhiều lần cấy lúa. Năm 2017, có nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thu nhập hàng tỷ đồng.
“Vừa qua, xã đã xây dựng 1.500 km đường bê tông và kiên cố hóa kênh mương; trong đó toàn bộ kinh phí là do người dân đóng góp” - ông Hiền cho biết.
Theo ông Phạm Văn Hướng, Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Định, đến nay, sau gần 20 năm triển khai mô hình tổ vay vốn, cái ưu việt nhất chính là đồng vốn vay của ngân hàng đến với người dân một cách nhanh nhất. Qua đó, giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, nợ xấu trong mô hình này chỉ ở mức 0,1%, thể hiện hiệu quả từ cho vay qua tổ vay vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục