Môi trường kinh doanh Việt Nam đã có xu hướng cải thiện tích cực

17:10' - 22/03/2018
BNEWS Năm nay, lần đầu tiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ghi nhận và bình chọn Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI 2017 với điểm số 70,7/100
 
Môi trường kinh doanh Việt Nam đã có xu hướng cải thiện tích cực.

Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN


“Cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017. Các địa phương đang tích cực vào cuộc, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chủ động áp dụng thực tiễn, kinh nghiệm tốt của những tỉnh dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh của mình. Nhiều chính sách như Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hay Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp…đang phát huy hiệu quả tích cực trên thực tế.”
Đây là nhận định được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh tại sự kiện Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017, vừa diễn ra sáng nay 22/3 tại Hà Nội, do VCCI và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức.
Năm nay, lần đầu tiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ghi nhận và bình chọn Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI 2017 với điểm số 70,7/100. Những địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của năm 2017, lần lượt là Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm), Bến Tre (66,7 điểm), Vĩnh Long (66,1 điểm), Quảng Nam (65,4 điểm), Thành phố Hồ Chí Minh (65,2 điểm), Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm). Ngoài ra, các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh…
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), kiêm Giám đốc Dự án PCI cho biết về quy mô điều tra PCI 2017. Đã có 12.000 doanh nghiệp dân doanh được ghi nhận ý kiến và phản hồi, đánh giá về thực tế chất lượng điều hành kinh tế của địa phương; trong đó, có hơn 10.200 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp đã tham gia chấm điểm 10 chỉ số thành phần gồm gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý cũng như tính an ninh trật tự .
Như vậy, sau 13 năm tiến hành Dự án điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005-2017, đã có 105.000 doanh nghiệp dân doanh và 12.263 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thu thập ý kiến và chấm điểm PCI.
Ông Tuấn ghi nhận rằng, điều tra PCI 2017 đã ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượng của chính quyền các địa phương trên cả nước. So với những năm trước, các chính quyền đã giải quyết kịp thời hơn những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chi phí không chính thức có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đánh giá cao những tác động tích cực mà Báo cáo thường niên PCI đem lại; đã góp phần thúc đẩy tính minh bạch và cải thiện chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam; cũng như tăng cường các cơ hội đầu tư, thương mại tại đây.
Cũng tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế đều đánh giá cao Báo cáo PCI 2017, khi đã ghi nhận và đánh giá chất lượng quản lý của các doanh nghiệp dân doanh trong nước. Theo đó cho thấy, chất lượng quản lý gắn liền với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có nhà quản lý giỏi thường có mức tăng trưởng đầu tư và việc làm cao hơn. Nếu chất lượng quản lý của doanh nghiệp tăng lên 1 điểm thì doanh nghiệp sẽ tăng trưởng vốn 1,06 điểm phần trăm trung bình hàng năm.
Việc nâng cao chất lượng quản lý là giải pháp quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, giúp gia tăng quy mô sản xuất kinh doanh, cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn và nền kinh tế toàn cầu. Từ đó, có thể góp phần quan trọng vào việc hình thành đội ngũ doanh nghiệp trong nước thành công trên trường quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục