Rút ngắn khoảng cách trong cải thiện môi trường kinh doanh Hà Nội

11:24' - 18/02/2018
BNEWS Việc thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy, tình hình thực thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ- CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 của Chính phủ (Nghị quyết 19) đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn có một khoảng cách khá lớn so với các quốc gia trong khu vực, bởi trong khi Việt Nam nỗ lực cải thiện, thì các quốc gia khác cũng cải thiện. Vì thế, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới.

Còn lúng túng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 12/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19 của 20 bộ, cơ quan và 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức khá đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết 19.

Vì vậy, đa số báo cáo đã bám sát các nội dung theo yêu cầu, song bên cạnh đó, còn có một số địa phương vẫn còn báo cáo chung chung, chủ yếu là nêu thành tích. Các giải pháp triển khai Nghị quyết 19 còn mang tính hình thức, thiếu quyết liệt trong quá trình thực hiện các mục tiêu.

Về tổ chức thực hiện, trong khi các cơ quan trung ương như Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Văn phòng Chính phủ… và một số địa phương như Quảng Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc… tích cực triển khai, có báo cáo khá chi tiết, cụ thể thì có khoảng 10 địa phương báo cáo còn mang tính chung chung, không bám sát Nghị quyết, không đánh giá kết quả. Hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp được thực hiện ở tất cả các địa phương, đã có những sáng kiến cải cách thủ tục hành chính được thực hiện, nhưng mới chỉ tập trung tại một số địa phương.

Đặc biệt về cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 83/NQ- CP ngày 31/8/2017 và Nghị quyết 98/NQ- CP ngày 3/10/2017, giao các bộ “rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh hiện hành, nhưng hiện mới chỉ có 5 bộ, ngành thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm. Cụ thể gồm: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, còn lại 10 bộ, ngành chưa có thông tin gì về nội dung này.

Qua đó cho thấy, các bộ, ngành vẫn còn lúng túng trong việc phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt, trong số điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ, sửa đổi thì có khoảng 1/2 số điều kiện thuộc diện sửa đổi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, cho đến nay các bộ đã nắm rõ yêu cầu cải cách và một số bộ như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng đã có những hành động cụ thể thực hiện nhiệm vụ này, nhờ vậy đã tạo ra một số chuyển biến trong kiểm tra chuyên ngành, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Thời gian kiểm tra chuyên ngành cũng đã được rút ngắn. Tuy vậy, nhìn chung, mức độ cải thiện trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn chậm, những trở ngại, vướng mắc trước đây gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục. Cụ thể, danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng và có xu hướng ngày càng tăng, thậm chí có mặt hàng/nhóm hàng mở rộng hơn so với phạm vi cho phép của luật.

Bên cạnh đó, vẫn còn sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn chưa có quy định kỹ thuật tương ứng; quản lý chuyên ngành chồng chéo giữa các bộ vẫn chưa được cải thiện; chi phí kiểm tra chuyên ngành quá lớn, gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược lại với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “cắt giảm chi phí doanh nghiệp”; thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn dài…

Đánh giá về thực hiện Nghị quyết 19, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, sau 4 năm (2014 - 2017) thực hiện, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2017 đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng, bao gồm: năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016, từ vị trí 60 lên vị trí 55/137 nền kinh tế; môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái, đây là mức tăng bậc cao nhất trong thập niên qua; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127, đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước đến nay…

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, có sự đổi mới rất nhiều, đặc biệt là những đổi mới trong điều kiện kinh doanh, điều kiện thành lập công ty; trong đó lớn nhất là khi thay đổi Luật Doanh nghiệp đã rà soát lại những rào cản trong hoạt động doanh nghiệp.

“Môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng được cải thiện, các nhà đầu tư đang nhìn vào những thuận lợi trong kinh doanh và kết quả về sự thăng hạng môi trường kinh doanh ở Việt Nam để tiếp tục đầu tư.”, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.

Liên tục nỗ lực

Mặc dù, thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện tích cực, song phát biểu tại một diễn đàn gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng: Môi trường đầu tư Việt Nam vẫn có một khoảng cách khá lớn so với các quốc gia trong khu vực. Vì thế, Việt Nam cần tiếp cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện Nghị quyết, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ này.

Bên cạnh đó, yêu cầu các Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Giao thông Vận tải,… khẩn trương rà soát, kiến nghị cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ.

Cùng với đó, yêu cầu các Bộ Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch… thực hiện đầy đủ và kịp thời các giải pháp về quản lý chuyên ngành theo yêu cầu Nghị quyết 19, hoàn thành tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% xuống còn 15% trong quý II/2018.

Đặc biệt, để thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả, chất lượng các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2018 (gọi tắt là Nghị quyết 19-2018).

Theo đó, Nghị quyết này sẽ tập trung cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, mục tiêu đạt thứ hạng 50-60 về môi trường kinh doanh; trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp cải thiện chỉ số còn thấp điểm và thấp hạng như khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết phá sản doanh nghiệp; đồng thời, mở rộng nội dung về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistics để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cũng cho rằng, doanh nghiệp còn mong muốn trong năm 2018, không chỉ cải thiện trong thủ tục, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ phải tập trung vào cắt giảm các chi phí doanh nghiệp. Bởi trong năm 2017, đây là một trong những gánh nặng làm kéo lùi sức cạnh tranh của hầu hết doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016- 2020). Đây cũng là năm, Chính phủ đạt mục tiêu 135.000 doanh nghiệp thành lập mới, theo đó, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp phát triển, gia nhập thị trường, vẫn là giải pháp quan trọng cần quyết liệt thực hiện trong năm 2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục