Một tuần ảm đạm đối với thị trường dầu mỏ thế giới

10:38' - 02/12/2017
BNEWS Sự phát triển nhanh chóng của ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ là một trong những nguyên nhân chủ chốt châm ngòi cho "vàng đen" rớt giá.
Một tuần ảm đạm đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN

Đà phục hồi muộn màng của giá dầu sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng một số nước sản xuất dầu khác nhất trí gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018 đã không giúp thị trường năng lượng đón nhận tuần giao dịch tích cực.

Ngay từ đầu tuần này, giá dầu đã rời khỏi mức cao nhất trong hai năm qua và giảm trong ba phiên liên tiếp (27-29/11), giữa bối cảnh triển vọng nguồn cung dầu gia tăng (với kế hoạch khôi phục hoạt động tuyến đường ống dẫn dầu Keystone) và những bất ổn xung quanh quyết định của Nga liên quan đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC.

Ngoài ra, việc đồng USD mạnh lên khiến dầu mỏ - vốn được giao dịch bằng đồng tiền xanh - trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác.

Tuy nhiên, thị trường năng lượng đã khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch ngày 30/11, khi 24 quốc gia trong và ngoài OPEC quyết định duy trì việc cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày đến ngày 31/12/2018. Quyết định trên không nằm ngoài tiên lượng của giới phân tích, cho dù trước cuộc họp Nga bày tỏ quan ngại về việc kéo dài thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ.

Một trong những lo ngại lớn nhất của OPEC là sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu trong nước đạt kỷ lục mới là 9,68 triệu thùng/ngày vào tuần trước. Hãng tư vấn Rystad Energy nhận định sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt 9,9 triệu thùng/ngày trong tháng 12 tới, gần bằng mức của các nước sản xuất hàng đầu là Nga và Saudi Arabia.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ là một trong những nguyên nhân chủ chốt châm ngòi cho "vàng đen" rớt giá mạnh từ ngưỡng trên 100 USD/thùng hồi năm 2014. Tuy nhiên, kể từ sau khi giá dầu rớt xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016, ngành dầu mỏ thế giới đã dần phục hồi, trong bối cảnh giá dầu ổn định trở lại.

“Vàng đen” tiếp tục lên giá trong phiên giao dịch cuối tuần. Đáng chú ý, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ đã vọt lên mức cao nhất trong một tuần. Tuy nhiên, giá của hai loại dầu chủ chốt đều thoái lui khỏi các mức cao nhất xác lập trong phiên sau khi ABC News vừa cung cấp thêm một số thông tin liên quan tới sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nhân tố khiến thị trường chứng khoán đỏ sàn.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 1/2018 tăng 96 xu Mỹ (1,7%), lên 58,36 USD/thùng. Đây là mức chốt phiên cao nhất của mặt hàng này trong một tuần qua. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu WTI vẫn mất khoảng 1%, ghi dấu tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tuần đầu tiên của tháng 10/2017. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2018 cũng tiến 1,1 USD (1,8%), lên 63,73 USD/thùng.

Việc Mỹ đẩy mạnh sản lượng dầu mỏ tiếp tục được coi là “cơn gió ngược” đáng lo ngại nhất đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu. Báo cáo mới nhất của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại nước này trong tuần qua đã tăng thêm 2 chiếc, lên 749 giàn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục