Mua sắm tập trung giúp giảm từ 10 - 17% chi phí

19:45' - 28/04/2016
BNEWS Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh khẳng định, cơ chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ngày 28/4, tại buổi họp báo chuyên đề về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định, cơ chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, việc thực hiện mua sắm tập trung sẽ giúp tiết kiệm chi phí mua sắm công bởi mua sắm với số lượng lớn giá mua sẽ giảm, giảm đầu mối thực hiện mua sắm do khi thực hiện mua sắm tập trung thì chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đầu thầu trong năm cho mỗi loại mặt hàng.

Về số tiền sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước nhờ phương thức mua sắm tập trung, ông Thịnh cho biết chưa ước tính được con số tuyệt đối nhưng theo kinh nghiệm các nước, phương thức này sẽ giảm chi phí khoảng 10-17% so với phương thức mua sắm riêng lẻ áp dụng trước đó, vì giảm được chi phí mở thầu, đúng định mức...

Vừa qua, thông qua thí điểm mua sắm tập trung tại một số đơn vị bộ ngành, địa phương cho thấy, việc mua sắm tập trung đã đạt được những mục tiêu như dự kiến, đó là thu hẹp đầu mối, tiết kiệm, rà soát để đảm bảo định mức sử dụng tài sản của các cơ quan đơn vị nhà nước. Khoản tiết kiệm ban đầu thấy được là 500 tỷ đồng, đó là mới chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ và các địa phương cũng mới chỉ chọn thí điểm mua sắm tập trung ở một số mặt hàng.

Về nguồn lực chi ngân sách cho mua sắm tập trung, ông Thịnh cho biết ước tính khoảng 200.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Thịnh cho rằng, việc mua sắm tập trung sẽ khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả; hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch.

Đặc biệt, “khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công”, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết thêm.

Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống, tham nhũng, lãng phí đã chỉ ra nhiệm vụ nhằm khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm tài sản. Cụ thể, khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai minh bạch, kể cả việc công khai hóa các khoản hoa hồng từ mua sắm. Thưc hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với những loại hàng hóa có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn.

Do đó, để thực hiện tốt mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ- TTg ban hành Quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ NSNN theo phương thức tập trung. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 22/2008/TT- BTC hướng dẫn thực hiện, đồng thời tổ chức thực hiện việc mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngày 1/1/2008.

Sau một thời gian dài thực hiện thí điểm, việc mua sắm tài sản theo phương thức tập trung đã mang lại nhiều kết quả tốt khi đã tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Từ kết quả này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện mua sắm tập trung trên cả nước trong năm 2016.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, nội dung công khai trong mua sắm tập trung bao gồm cả số lượng, chủng loại, đơn giá tài sản mua sắm, nguồn vốn mua sắm, hình thức mua sắm, nhà thầu cung cấp tài sản; các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi (nếu có) khi thực hiện mua sắm.

Theo lý giải của Bộ Tài chính thì các nhà cung cấp thường có chế độ khác nhau với khách hàng trong mua sắm tài sản kể cả mua sắm tập trung hay riêng lẻ. Riêng với mua sắm tập trung thì khối lượng tài sản mua sắm rất lớn nên khi công khai kết quả mua sắm công bắt buộc phải minh bạch những khoản chiết khấu, giảm giá, chi hoa hồng. Ông Thịnh cũng cho biết, tất cả các khoản chi hoa hồng, chiết khấu đều sẽ được nộp lại cho ngân sách nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục