Mỹ bùng phát phong trào đòi tăng lương tối thiểu tại hơn 270 thành phố

08:56' - 11/11/2015
BNEWS Ngày 10/11, tại hơn 270 thành phố lớn của nước Mỹ đã nổ ra các cuộc đình công và tuần hành của người lao động nhằm kêu gọi tăng lương tối thiểu hiện nay từ 7,25 USD/giờ lên 15 USD/giờ.
Mỹ bùng phát phong trào đòi tăng lương tối thiểu thêm 15 USD. Ảnh: Reuters

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ước tính hàng chục nghìn người lao động tại các thành phố ở Mỹ đã tham gia cuộc tuần hành, đình công do phong trào “Đấu tranh vì 15 USD/giờ” tổ chức. 

Các nghiệp đoàn trên khắp nước Mỹ cũng có kế hoạch tổ chức biểu tình, bãi công tại khoảng hàng trăm thành phố khác, từ New York cho tới Chicago, Los Angeles và San Francisco.

Tham gia tuần hành có các công nhân làm việc cho chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald's, người làm vườn, công nhân làm việc cho các hãng chuyển phát hàng như FedEx hay chuỗi siêu thị Wal-Mart và Target… Số liệu thống kê cho thấy hiện khoảng 42% người lao động Mỹ kiếm được chưa tới 15 USD/giờ.

Phong trào “Đấu tranh vì 15 USD/giờ” đã tiến hành các cuộc đình công và tuần hành đòi tăng thu nhập cho người lao động Mỹ lần đầu tiên vào tháng 11/2012 tại thành phố New York.

Tuy nhiên, cuộc đình công năm nay được tổ chức với quy mô lớn chưa từng có và diễn ra đúng tròn 1 năm trước ngày Mỹ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống.

Cho tới nay, vấn đề bình đẳng về thu nhập của người lao động là một trong những chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Phần lớn các ứng cử viên Cộng hòa phản đối thay đổi mức lương tối thiểu 7,25 USD/giờ đang áp dụng hiện nay, với lý do tăng lương sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng việc làm.

Ngược lại, hầu hết các ứng cử viên tổng thống phía đảng Dân chủ lại ủng hộ chủ trương của các nghiệp đoàn là tăng lương tối thiểu.

Ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đã ủng hộ tăng lương tối thiểu lên 12 USD/giờ, trong khi ứng cử viên Bernie Sanders cũng thuộc đảng này thậm chí còn ủng hộ tăng lên ít nhất 15 USD/giờ.

Theo các ứng cử viên của đảng Dân chủ, tăng lương cho người lao động có ý nghĩa quyết định tới việc góp phần thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo đang ngày càng lớn tại Mỹ.

Kết quả thăm dò mới đây của nhóm “Dự án Luật Việc làm Quốc gia” (NELP) cho thấy hiện gần 70% số cử tri (khoảng 48 triệu cử tri) chưa đăng ký và một con số tương tự các cử tri đã đăng ký cho biết họ có thể bỏ phiếu cho một ứng cử viên tổng thống ủng hộ tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ./.

TTXVN 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục