Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu: Nỗi thất vọng lớn

07:40' - 18/06/2017
BNEWS Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của cả thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

* Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu
Ngày 1-6-2017, Tổng thống Trump đã chính thức công bố quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, bước đi giúp ông hiện thực hóa cam kết tranh cử song sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất. Nhà Trắng coi đây là “một hiệp định tồi” vì cho rằng hiệp định này bất công đối với Mỹ, làm giảm việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn các nghiên cứu cho rằng, tham gia vào thỏa thuận Paris sẽ khiến nước Mỹ đến năm 2025 met 2,7 triệu việc làm, khiến một loạt các ngành sản xuất bị sút giảm. Như thế, Mỹ sẽ phải hy sinh quá nhiều so với các quốc gia khác cùng tham gia thỏa thuận. Ông Trump tuyên bố: “Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả bảo vệ đất nước và người dân Mỹ, tôi quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định Washington sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tham gia một thỏa thuận khác công bằng hơn đối với nước Mỹ.
Trước đó, ngày 31-5, Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội Mỹ về quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence (Mai Pen-xơ) cũng trực tiếp gọi điện cho các nhà lãnh đạo tại Đồi Capitol để thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ bước đi này.
* Phản ứng của dư luận nội bộ Mỹ và quốc tế
Ngay sau khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, dư luận nội bộ Mỹ và các nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng phản đối.
Cựu Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đã lên tiếng chỉ trích khi cho rằng rút Mỹ khỏi hiệp định là hành động “bác bỏ tương lai” của chính nước Mỹ.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (Giô Bai-đơn) và nhiều chính khách đảng Dân chủ khác cũng phản đối bước đi này của Tổng thống Trump. Trên trang mạng cá nhân, ông Biden viết: “Chúng ta hãy sẵn sàng cảm nhận tác động của biến đổi khí hậu”.
Trong một động thái khác, hơn 60 thị trưởng của các thành phố tại Mỹ đã cam kết sẽ theo đuổi mục tiêu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và tham gia Chương trình Thị trưởng hành động vì khí hậu (MNCAA). Đây là một mạng lưới kết nối 88 thị trưởng các thành phố ở Mỹ với dân số hơn 43 triệu người nhằm củng cố các nỗ lực tại địa phương cắt giảm khí thải nhà kính và hỗ trợ hoạch định chính sách thống nhất giữa cấp liên bang và toàn cầu.

MNCAA đã ra thông báo khẳng định tổ chức này sẽ tuân thủ, tôn trọng và cải thiện các cam kết thực hiện thỏa thuận toàn cầu này. Ngoài ra, MNCAA cũng sẽ thúc đẩy các thành phố thành viên nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu này thông qua tăng cường đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Biên bản thông báo này đã được 61 thị trưởng thành phố thành viên ký xác nhận.
Ngoài ra, một số lãnh đạo các bang lớn khác của Mỹ như California, New York và Washington cũng đã đồng loạt lên tiếng khẳng định sẽ ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Lãnh đạo của cả ba bang cũng kêu gọi các bang khác cùng sát cánh để thúc đẩy thực hiện hiệp định đồng thời cam kết sẽ có những hành động thiết thực góp phần đẩy lùi tình trạng biến đổi khí hậu. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho rằng quyết định của Tổng thống Trump sẽ gây ra những "hậu quả tai hại" cho Trái Đất.
Chia sẻ trên trang cá nhân Twitter, Thị trưởng thành phố Pittsburgh Bill Peduto khẳng định thành phố miền Đông Bắc nước Mỹ này sẽ tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Hiệp định Paris vì tương lai, con người và kinh tế của thành phố. Thị trưởng Peduto còn cho rằng đây là lúc mà mỗi thành phố của Mỹ phải tự quyết định, đồng thời khẳng định thành phố này sẽ sát cánh cùng các quốc gia trên thế giới để theo đuổi Hiệp định Paris.
Trong phản ứng chính thức đầu tiên của cộng đồng quốc tế sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, lãnh đạo 3 nước Đức, Pháp và Anh đã ra tuyên bố chung khẳng định hiệp định này sẽ không thể được đàm phán lại.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May cùng cho rằng Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là “nền tảng hợp tác giữa các nước nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu một cách có hiệu quả và kịp thời”.
Thủ tướng Đức Merkel cho biết bà lấy làm tiếc trước quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực trong chính sách về chống biến đổi khí hậu nhằm “cứu Trái đất của chúng ta”.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel gọi quyết định của Tổng thống Mỹ Trump là hành động đe dọa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ kỹ thuật, song nhấn mạnh cánh cửa tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu vẫn mở với Washington.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhận định việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris là "không thể chấp nhận được" và nhấn mạnh rằng hiệp định về chống biến đổi khí hậu này là "vì tương lai của người dân toàn cầu". Chủ tịch EC Junker tuyên bố “cựu lục địa” sẵn sàng giữ vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã bày tỏ cam kết "kiên định" thực thi Hiệp định Paris.
Chính phủ Nhật Bản cho biết lấy làm tiếc về việc chính quyền Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định cam kết Tokyo sẽ hợp tác với các nước khác để thực thi thỏa thuận này.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng hành động chống biến đổi khí hậu là "phạm tội về đạo đức".
Điện Kremlin thì khẳng định Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ kém hiệu quả khi không có các nước chủ chốt tham gia.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là “nỗi thất vọng lớn”. Ông Guterres bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đối khí hậu toàn cầu và sẵn sàng “hợp tác với Chính phủ Mỹ, các nhân tố khác tại Mỹ và thế giới để xây dựng một tương lai bền vững cho các thế hệ con cháu”.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn bản quốc tế nhận được tham gia mạnh mẽ và đông đảo như vậy, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu.

Hiệp định này qui định tất cả các nước thành viên phải đề ra một mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - vốn là nguyên nhân làm Trái đất nóng lên, khiến băng tan ở các cực, mực nước biển dâng cao và gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu. Theo qui định, một nước thành viên có thể chính thức rút khỏi hiệp định sớm nhất là tháng 11-2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục