Mỹ tái khẳng định ưu tiên giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên

10:24' - 20/05/2017
BNEWS Bộ trưởng James Mattis cho rằng lựa chọn tốt nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng là tìm kiếm một giải pháp quốc tế nhằm gây sức ép một cách hiệu quả đối với quốc gia Đông Bắc Á này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: heavy.com

Ngày 19/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo bất kỳ giải pháp quân sự nào đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ dẫn đến một thảm họa nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh Washington đang làm việc với cộng đồng quốc tế để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

Bất chấp những tuyên bố cứng rắn của nhiều quan chức hàng đầu Mỹ trong những tuần gần đây và việc triển khai một nhóm tàu sân bay đến khu vực bán đảo Triều Tiên, Bộ trưởng Mattis vẫn cho rằng lựa chọn tốt nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng là tìm kiếm một giải pháp quốc tế nhằm gây sức ép một cách hiệu quả đối với quốc gia Đông Bắc Á này.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, người đứng đầu Lầu Năm góc nêu rõ: "Nếu tình hình hướng tới một giải pháp quân sự thì đó sẽ là một thảm kịch trên một quy mô không lường trước được". Ông cho biết hiện Mỹ đang nỗ lực hợp tác với Liên hợp quốc (LHQ), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để tìm kiếm một giải pháp phù hợp cho tình hình hiện nay.

Cũng tại buổi họp báo, ông Mattis đã bày tỏ đánh giá tích cực đối với những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tác động đến Triều Tiên dù Bình Nhưỡng phớt lờ mọi cảnh báo từ cộng đồng quốc tế.

Ông cũng nhận định rằng tên lửa mà Triều Tiên tiến hành phóng thử hồi cuối tuần qua đã bay rất cao và các nhà khoa học nước này có thể đã biết thêm nhiều thứ từ vụ phóng mới nhất này.

Tuyên bố trên là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tận dụng hết các khả năng trước khi chuyển sang hành động quân sự để buộc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Tuy nhiên, cho đến nay, phía Bình Nhưỡng đã bác bỏ mọi lời kêu gọi từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, lập luận rằng họ đang tự vệ hợp pháp.

Cùng ngày, phát biểu trong một cuộc họp báo, Phó Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim In-ryong khẳng định nước này sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh hạt nhân, chừng nào Mỹ vẫn theo đuổi "chính sách thù địch" nhằm vào Bình Nhưỡng.

Ông Kim In-ryong cho rằng những chính sách của Mỹ, trong đó có việc áp đặt lệnh trừng phạt nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên, là "nguồn gốc của mọi vấn đề", làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Ông nhấn mạnh nếu muốn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Washington cần phải đề xuất một thỏa thuận hòa bình khác thay thế cho Thỏa thuận đình chiến, vốn dẫn đến việc kết thúc Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953, cũng như ngừng theo đuổi chính sách chống lại Bình Nhưỡng.

Quan chức này còn cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với "những hậu quả thảm khốc" nếu Washington tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 20/5, tuyên bố nước này sẽ tăng cường hơn nữa khả năng răn đe hạt nhân nếu Mỹ gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng.

Trước đó, hôm 15/5, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung đến tầm xa, có khả năng mang đầu đạt hạt nhân cỡ lớn.

Tên lửa này đã rơi xuống Biển Nhật Bản, gần với Nga. Theo nhận định mới nhất của một số quan chức quốc phòng Mỹ, vụ phóng tên lửa đạn đạo trên của Bình Nhưỡng đã thành công với việc tên lửa đã bay trở lại tầng khí quyển như kế hoạch.

Theo đó, tên lửa này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và không bị bốc cháy, cho thấy tiến bộ trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết tâm theo đuổi việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.

Để đạt mục tiêu này, công nghệ đưa tên lửa quay trở lại tầng khí quyển có ý nghĩa tối quan trọng nhằm bảo vệ đầu đạn tránh khỏi nhiệt độ cực cao hoặc chấn động trong quá trình xâm nhập trở lại tầng khí quyển./.

>>> Trung Quốc hối thúc Hàn Quốc tháo gỡ rào cản trong quan hệ giữa hai nước

>>> Mỹ và Hàn Quốc tập trận chống vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục