Mỹ - Trung nên tránh một cuộc chiến thương mại

12:05' - 12/03/2018
BNEWS Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là điều không nên xảy ra khi vấn đề thuế quan đối với thép và nhôm trên thực tế có ảnh hưởng rất nhỏ đến các nhà xuất khẩu Trung Quốc...

Những động cơ chính trị nhằm sau quyết định gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về tăng thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề thâm hụt thương mại có thể đã bị các chính trị gia phóng đại và điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các đối tác.

Mỹ - Trung nên tránh một cuộc chiến thương mại. Ảnh: EPA

Ngày 11/3, trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã tại trụ sở Ngân hàng Đông Tây (East West Bank) ở thành phố Pasadena, thuộc bang California (Mỹ), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ngân hàng - ông Dominic Ng - cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là điều không nên xảy ra khi vấn đề thuế quan đối với thép và nhôm trên thực tế có ảnh hưởng rất nhỏ đến các nhà xuất khẩu Trung Quốc, vì thép của Trung Quốc chỉ chiếm 2% tổng số thép nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2017.

Theo thống kê, Canada là nhà cung cấp thép lớn nhất cho Mỹ, trong khi ở châu Á, Hàn Quốc chiếm gần 10% lượng thép nhập khẩu của Mỹ trong năm 2017 và tiếp đến là Nhật Bản (6%).

Liên minh châu Âu (EU) đang lo ngại rằng do gặp khó với Mỹ, các nhà xuất khẩu thép sẽ chuyển hướng sang "Lục địa Già", theo đó có thể gây thêm áp lực cho các nhà sản xuất thép ở châu lục này.

Ông Dominic Ng đồng thời khẳng định tuy dư luận Mỹ quay lưng với tự do thương mại, nhưng họ không muốn xảy ra chiến tranh thương mại, đặc biệt là một cuộc chiến dựa trên công thức tính toán sai.

Ông cho rằng số liệu thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện không chính xác, vì chúng dựa trên các phương pháp thu thập và tính toán dữ liệu đã lỗi thời và chưa được cập nhật đúng cách để phản ánh chính xác quy mô nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Ông cho biết hiện tại, các cơ quan thống kê lấy nước cuối cùng xuất sản phẩm đi để tính cho toàn bộ giá trị thương mại của sản phẩm đó mà bỏ qua một yếu tố quan trọng là nhiều thành phần của sản phẩm được sản xuất tại một nước thứ ba.

Phương pháp thu thập thông tin này được dựa trên Hướng dẫn Cân đối thu chi của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), được phát hành lần đầu tiên vào năm 1948, và từ đó đến nay chưa từng được điều chỉnh để phù hợp với những điều chỉnh mới trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ lập luận này, Giám đốc Dominic Ng lý giải tại sao chỉ riêng sản phẩm iPhone đình đám đã phải "gánh" 17 tỷ USD trong thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Cụ thể, một chiếc điện thoại iPhone gồm nhiều bộ phận được sản xuất tại nhiều nước và vùng lãnh thổ (phần vỏ của Hàn Quốc, bộ phận vi xử lý của Mỹ, bộ phận cảm ứng của Đài Loan - Trung Quốc....) và khâu lắp ráp được hoàn thiện tại Trung Quốc.

Mặc dù lắp ráp chỉ là một phần trong tổng chi phí cho một sản phẩm iPhone hoàn thiện, nhưng toàn bộ chi phí nhập khẩu của điện thoại này lại được tính cho Trung Quốc trong các phép tính thương mại của Mỹ.

Theo quan chức ngân hàng, dựa theo cách tính lỗi thời này, các chuyên gia Cục Phân tích kinh tế của Mỹ tính ra mức thâm hụt thương mại ròng của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2016 lên tới 309 tỷ USD, tương đương 1,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ.

Tuy nhiên, theo các phương pháp tính giá trị gia tăng của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), con số này thấp hơn nhiều, "có thể chỉ còn là 169 tỷ USD".

Theo Chủ tịch Ngân hàng Đông Tây, hệ thống số liệu tốt hơn sẽ giúp các bên vượt qua những "trò chơi chính trị", thay vào đó xác định và giải quyết các vấn đề thực sự trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông đồng thời nhấn mạnh "một cuộc chiến thương mại có thể gây ra hậu quả khôn lường cho tất cả các bên" và chìa khóa để giải quyết vấn đề thương mại không phải chỉ đơn thuần là thương mại, mà cần có một khuôn khổ hợp tác toàn diện.

"Nếu hai bên cùng có ý định tìm kiếm một giải pháp cùng có lợi, tôn trọng các vấn đề mà họ đang phải đối mặt, chủ động và xây dựng giải quyết chúng, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ công bằng hơn, cân bằng hơn và có nhiều lợi ích hơn".

Ngân hàng Đông Tây, với giá trị tài sản 36 tỷ USD, hiện là một trong 5 ngân hàng hàng đầu trong danh sách Ngân hàng Tốt nhất nước Mỹ năm 2018 do Forbes bình chọn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục