Mỹ xem xét quy chế ưu đãi thương mại đối với Thái Lan

08:50' - 19/05/2018
BNEWS Mỹ đang xem xét liệu Thái Lan có đủ điều kiện để được hưởng các ưu đãi thương mại hay không, sau khi các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ bày tỏ quan ngại về vấn đề này.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết nước này đang xem xét liệu Thái Lan có đủ điều kiện để được hưởng các ưu đãi thương mại hay không, sau khi các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ bày tỏ quan ngại về vấn đề này.

Trong một thông báo, USTR cho biết Quốc hội Mỹ đã chỉ thị cho cơ quan này xem xét để đảm bảo rằng các quốc gia được hưởng ưu đãi thương mại của Mỹ cũng đang cho phép hàng hóa Mỹ có được khả năng tiếp cận thị trường hợp lý và công bằng.

USTR cho biết đơn khiếu nại từ Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ (NPPC) đã đặt ra những vấn đề quan trọng liên quan đến sự tuân thủ của Thái Lan đối với các tiêu chí để được hưởng Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Ông Jim Heimerl, Chủ tịch NPPC, cho biết nhiều năm qua, Thái Lan đã không cho các sản phẩm thịt lợn của Mỹ quyền tiếp cận thị trường công bằng. Tháng Tư vừa qua, NPPC đã nộp một bản đánh giá hệ thống GSP lên USTR, trong đó cho biết Thái Lan, thông qua các mức thuế quá cao và các lệnh cấm không chính thức, đã hạn chế rất lớn lượng thịt lợn của Mỹ xuất khẩu sang thị trường nước này. Trong khi đó, Bangkok vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi nhập khẩu theo quy chế Tối huệ quốc (MFN) đối với các mặt hàng nông sản nhập khập vào Mỹ.

Chính vì vậy, NPPC hối thúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump rút lại hay hạn chế những ưu đãi mà Thái Lan được hưởng theo quy chế MFN - quy chế cho phép Mỹ được hủy những ưu đãi đối với một quốc gia nếu Washington không được hưởng quyền tiếp cận hợp lý và công bằng vào thị trường của quốc gia đó.

Năm 2017, lượng thịt lợn của Mỹ xuất khẩu sang Thái Lan đạt 31 tấn với giá trị khoảng 128.000 USD, theo số liệu của Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ (USMEF). USMEF còn cho biết Liên minh châu Âu (EU) là nguồn cung thịt lợn nhập khẩu chính của Thái Lan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục