Năm Đinh Dậu có được cúng gà đêm giao thừa?

13:56' - 18/01/2017
BNEWS Có nhiều quan điểm cho rằng vào năm Đinh Dậu - năm con gà thì không nên cúng gà vào đêm giao thừa nữa. Liệu quan điểm này có chính xác?

Ý nghĩa phong tục cúng gà đêm giao thừa

Biết bao đời nay, hình ảnh chú gà trống ngẩng cao đầu vươn cánh mạnh mẽ đã rất quen thuộc trong mâm cỗ cúng đêm giao thừa. Sở dĩ tục lệ này có được là do bắt nguồn từ truyền thuyết từ xa xưa. 
Theo thần thoại của một số dân tộc Việt Nam, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra mặt đất, thấy lạnh lẽo, ẩm thấp, bèn sai mười mặt trời suốt ngày đêm chiếu sáng để sấy khô mặt đất. Tuy nhiên sau đó vì Ngọc Hoàng quên thu các mặt trời lại khiến cho mặt đất và con người trở nên khốn đốn vì nắng hạn. 
Có một chàng dũng sĩ giương cung tên bắn liên tiếp rụng 9 mặt trời. Mặt trời cuối cùng sợ hãi quá bay tít lên cao và trốn biệt không ló ra nữa. Mặt đất lại lạnh lẽo tối tăm. 
Con người và loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời. Chẳng con nào gọi được, cuối cùng chỉ có con gà trống khoẻ mạnh cất tiếng gáy vang lừng khiến mặt trời tò mò ngó xuống rồi quên cả sợ hãi hạ thấp dần độ cao, khiến mặt đất lại sáng bừng lên.
Đêm Giao thừa được coi là đêm tối nhất bởi đó là lúc mặt trời ẩn nấp sâu nhất. Nhà nhà bảo nhau cúng một con gà trống với hi vọng chú gà sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm, mang lại “mưa thuận gió hoà” của cư dân nông nghiệp. 
Do vậy, con gà là biểu tượng của một nền văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nền nông nghiệp lúa nước. Lâu dần, cúng gà trống hoa thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam vào thời điểm giao thừa.

Năm Dậu có được cúng gà?

Năm Đinh Dậu có được cúng gà đêm giao thừa? Ảnh minh họa: Internet

Hiện nay, nhiều gia đình Việt Nam thay vì cúng gà, người ta cúng bằng một khổ thịt vai hay một cái chân giò nhưng thói quen chọn gà làm đồ lễ cúng vẫn rất phổ biến trong dân gian. 
Dẫu vậy, không ít người lại cho rằng năm Dậu đã là năm gà rồi thì không cúng gà nữa hay năm Tỵ thì không cúng gà vì rắn vồ gà...
Theo những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cúng gà là một nét đẹp văn hóa và không có chuyện kiêng năm gà thì không cúng gà. Những thứ cúng thay thế như miếng thịt lợn hay chân giò chỉ có ý nghĩa vật cúng mà không mang ý nghĩa văn hoá.

Cách chọn gà cúng đêm giao thừa

Theo quan niệm xưa, gà cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, chưa đạp mái với ý nghĩa khoẻ mạnh, tinh khiết, chưa "vướng bụi trần" thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm.
Sở dĩ chọn gà trống chứ không phải gà mái để làm đồ lễ cúng vì gà trống được xem là hội tụ đủ 5 đức tính mà một người đàn ông cần có: văn, võ, dũng, nhân, tín. Việc cúng gà trống cũng là cầu mong con cháu được hưởng những đức tính ấy:
- Văn: gà trống có mào trên đỉnh đầu cùng hai cái mào ở dưới, giống như chiếc mũ cánh chuồn của ngài tiến sĩ xưa, biểu tượng cho văn.
- Võ: gà có cựa như thứ vũ khí, biểu tượng cho võ.
- Dũng: gà trống luôn sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ đàn của mình, biểu tượng cho dũng.
- Nhân: gà trống đầu đàn khi được cho ăn thì luôn gọi cả đàn đến chứ không ăn một mình, biểu tượng cho nhân.
- Tín: gà trống luôn cất tiếng gáy đúng canh giờ, biểu tượng cho tín.
Để chọn được những chú gà đẹp cho mâm cúng đêm giao thừa, các bà nội trợ truyền tai nhau kinh nghiệm chọn gà trống tơ khỏe mạnh có mào lớn màu cờ, mình gà vàng đầy đặn, chân vàng, chưa đạp mái.
Ngoài ra, gà trống tía, trống đen, trống lông tạp, gà ri (màu mận, vàng sẫm, mào cờ 5 khía, chân nhỏ, chưa nhú cựa, da và chân màu vàng) cũng rất được chuộng để cúng tế.

Cách đặt gà cúng lên ban thờ thế nào mới đúng?

Theo chia sẻ của ông Hà Thanh (Trung tâm Nghiên cứu cổ học Phương Đông – Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) trên Infonet, mọi người quan niệm có được con gà cúng như ý sẽ yên tâm đón một năm mới tốt đẹp. 
Với mâm cúng giao thừa nên đặt đầu gà quay ra đường để đón ngài Tân niên hành khiển đi qua. Do quan niệm dân gian cho rằng mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom việc hạ giới. Cúng Giao thừa là tiễn đưa quan quân cai quản năm cũ và đón quan quân cai quản năm mới. 
Riêng gà đặt cúng trên ban thờ, quan niệm chung thường là đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. 
"Bày gà cúng nếu đặt đầu quay ra phía ngoài sẽ đẹp mắt hơn. Còn quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, không đẹp mắt. Nhưng đó chỉ là hình thức đẹp, chứ không có ý nghĩa gì”, ông Hà Thanh cho biết.
Cũng theo ông Thanh, khi cúng lễ thì nên để nguyên cả con gà trống vừa đẹp mắt, vừa nghiêm cẩn. Với gà mái, có thể chặt miếng, nhưng khi bày đĩa không được đẹp mắt và giảm bớt phần nghiêm cẩn. 
Nếu chặt miếng, phải để gà nguội thịt mới chặt để miếng thịt gà gọn mắt. Không nên chặt khi thịt gà còn nóng vì vừa bị bắn bẩn xung quanh, thịt gà lại bị nát nhũn, méo mó. 
Không nên dùng thịt gà quay, rán, ninh, om vì cả hình thức và màu sắc đều không đẹp, mất cân đối và không nghiêm cẩn.

Mẹo nhỏ luộc gà cúng đẹp: 
Muốn gà cúng ngon, đẹp làm gà xong cần rửa sạch tiết để nước không bị đục. Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập thân gà (không cho gà vào nước nóng vì da gà bị nóng đột ngột sẽ co lại, dễ bị rách), đun lửa tới sôi lăn tăn (không sôi sùng sục) thì hớt bỏ bọt và cứ để thế khoảng 7- 8 phút. 
Nướng 1 củ gừng, 1 củ hành, đập giập bỏ vào nồi nước luộc gà rồi luộc tiếp (5 phút nếu là gà non để cúng Giao thừa, 10 phút với gà luộc để ăn). Tắt bếp, đậy vung, ngâm gà trong nước thêm 5 phút.
Muốn da gà giòn khi vớt ra thả ngay vào nước thật lạnh. Sau đó tháo dây buộc gà, bày ra đĩa, mỏ gà cài bông hoa hồng đỏ rực (hoặc hoa tỉa từ quả ớt nhìn trông rất rực rỡ), tiết, lòng gà bạn nhét lại vào bụng gà hoặc để riêng ra 1 chiếc đĩa nhỏ.

>>> 7 món ăn mang lại may mắn và thịnh vượng trong Năm mới

>>> Cúng ông Công ông Táo - một phong tục đẹp của người Việt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục