Điểm danh những làng hoa Tết "đẹp quên lối về" ở Hà Nội

08:30' - 17/01/2017
BNEWS Đến hẹn lại lên, những ngày này, hoa tươi từ khắp các làng hoa ở Hà Nội như Nghi Tàm, Tây Tựu,... lại khoe sắc mừng đón Tết đến, Xuân về, thu hút bao người yêu hoa tới thưởng thức và chụp ảnh.

1. Làng hoa Nhật Tân

Nhắc tới làng hoa Hà Nội, hiếm ai không biết đến làng hoa Nhật Tân. Nổi tiếng với những gốc đào trồng với kỹ thuật cao, hoa nở đều và màu đẹp, không đâu có thể bằng được. 

 Hoa đào Nhật Tân nở đều và có màu đỏ tươi luôn là lựa chọn hàng đầu cho người dân mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Tú Anh-TTXVN

Bên cạnh đào, quất phục vụ dịp Tết, làng hoa Nhật Tân còn trồng nhiều thửa hoa cúc, hoa bướm, hoa bách nhật, phục vụ nhu cầu chụp ảnh đám cưới của giới trẻ và hoa tươi hàng ngày ngoài thị trường.

Đặc biệt tới gần Tết, làng hoa Nhật Tân tràn ngập màu đỏ hồng tươi tắn của hoa đào tạo nên một cảnh sắc mang đậm không khí Xuân về, thu hút nhiều bạn trẻ và du khách tới chụp ảnh và chọn mua hoa.

Những gốc đào Nhật Tân được chăm sóc bằng kỹ thuật cao hiếm có nơi nào bằng. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Để đến tham quan làng hoa Nhật Tân, bạn có thể đi dọc theo bờ đê Nghi Tàm đến chợ hoa Quảng An rẽ vào rồi đi qua nghĩa trang làng là đến. Hoặc bạn đi qua Ủy ban nhân dân phường Nhật Tân rẽ vòng lại sẽ thấy tấm biển đá đề tên Làng hoa Nhật Tân.

Hoa đào Nhật Tân ngày nay còn được bán sang cả một số quốc gia khác, không riêng các tỉnh trong nước.

2. Làng hoa Tây Tựu

Tây Tựu là một làng nghề trồng hoa lâu đời của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTVH

Nằm ở quận Bắc Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, Tây Tựu là một làng nghề trồng hoa lâu đời của Thủ đô. 

Đến đây bạn sẽ ngợp bởi những cánh đồng hoa cúc trải dài vàng rực rỡ, xen lẫn cúc chi và hoa hồng, hoa đồng tiền. 

Ngoài ra, không thể thiếu violet, thược dược, đồng tiền, hoa hồng... rất được ưa chuộng để trang trí lẫn trưng bày trên bàn thờ dịp lễ.

Tây Tựu mùa Tết đến không thể thiếu violet, thược dược, đồng tiền, hoa hồng... Ảnh: TTVH

Đường đi tới làng hoa Tây Tựu khá đơn giản. Bạn đi thẳng hướng đường Hồ Tùng Mậu, tới Quốc lộ 32 thì rẽ phải ở Trường Cao Đẳng Công Nghiệp. Đi tiếp khoảng 2 km, bạn hẳn sẽ bị choáng ngợp với những cánh đồng hoa trải rộng khắp hai bên đường. 

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bắt xe buýt số 29 và xuống ở điểm Tây Tựu. Làng nằm ngay bên chợ hoa, tiếp giáp mặt đường chính.

3. Làng hoa Liên Mạc

Nằm sát với làng hoa Tây Tựu nên nhiều năm gần đây, người dân xã Tây Tựu thuê thêm ruộng của Liên Mạc để chuyên canh hoa. Do vậy, Liên Mạc cũng dần trở thành một vựa hoa không kém gì Tây Tựu.

Thược dược, violet tím cũng được trồng khá nhiều ở làng hoa Liên Mạc. Ảnh: Lê Bích/Vnexpress

Ngoài thế mạnh là hoa, làng còn trồng bưởi Diễn - giống quả rất được ưa chuộng dịp lễ Tết. Tại làng còn có những vườn ươm cây cảnh lớn như hoa ban, dừa mỹ…

Trước đó, Liên Mạc vốn là một ngôi làng thanh bình, nguồn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 12 km, bạn có thể đi xe máy theo hướng đường Âu Cơ tới chân cầu Thăng Long qua đình Vẽ, đình Chèm và qua cầu chừng 2 km theo triền đê sẽ thấy cổng làng Liên Mạc.

4. Làng hoa Mê Linh

Hoa hồng Pháp tạo nên thương hiệu riêng cho làng hoa Mê Linh. Ảnh: TTXVN

Khoảng chục năm trở lại đây, cùng với làng Nhật Tân, làng hoa Mê Linh được biết đến là nơi cung cấp hoa chủ yếu cho Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc vào các dịp lễ, Tết. 

Nằm ven quốc lộ 23B thuộc xã Mê Linh, huyện Mê Linh, nằm ở phía bắc thành phố Hà Nội, giáp sân bay quốc tế Nội Bài, nghề trồng hoa bén duyên trên đất này đã hơn 10 năm nay. 

Đến làng hoa Mê Linh dịp sát Tết này, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp trước những cánh đồng hoa cúc vàng ruộm rực rỡ. Ảnh: dantocmiennui

Có diện tích gần 100 ha, làng hoa Mê Linh trồng chủ yếu là hoa hồng Pháp, cúc. Vào những đêm thời tiết sương giá, vườn hoa Mê Linh tuyệt đẹp dưới ánh sáng của hàng trăm ngọn đèn được thắp chạy khắp cánh đồng, tạo nên một khung cảnh đặc biệt, trở thành điểm đến ưa thích cho những du khách yêu hoa cũng như những người yêu nhiếp ảnh.

Để đến làng hoa Mê Linh, bạn có thể đi xe buýt số 07 hoặc chạy xe máy qua cầu Thăng Long đi đến cầu vượt vào khu công nghiệp Thăng Long, rẽ vào đường vào khu công nghiệp nhưng không vào bên trong khu mà đi tiếp chừng 5km sẽ đến.

>>> Lạc trôi đến vùng đất đầu tiên tại Việt Nam trồng được hoa anh đào

>>> Thời tiết thất thường, hoa "cười" người "khóc"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục