Nam Phi bãi bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác gây tranh cãi

11:51' - 27/11/2015
BNEWS Các nhà bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm tại Nam Phi đã phản đối quyết định bãi bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác của Tòa án tối cao nước này ngày 26/11.

Ngày 26/11, Tòa án tối cao Nam Phi đã quyết định bãi bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác tại nước này.

Các nhà bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm tại đây đã phản đối quyết định trên và cho rằng việc dỡ bỏ này là một "động thái cực kỳ nguy hiểm" và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng săn bắn trái phép loài động vật hoang dã quý hiếm tại quốc gia châu Phi này.

Loài tê giác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng bởi vấn nạn trộm sừng. Ảnh: WWF

Quyết định trên được đưa ra trước thềm hội nghị Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), dự kiến tổ chức tại thành phố Johannesburg vào năm 2016. Theo một số nguồn tin, lệnh cấm này có thể được bãi bỏ trên phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, tình trạng săn bắt trái phép tê giác để lấy sừng ở Nam Phi đang ở mức báo động với số lượng 1.215 con tê giác bị giết hại trong năm 2014.

Tuy nhiên, hiệp hội các nhà chăn thả động vật hoang dã lại cho rằng việc nối lại kinh doanh sừng tê giác hợp pháp sẽ hạn chế buôn bán sản phẩm này ở "chợ đen".

Theo CITES, những đối tượng săn trộm chủ yếu giết tê giác để lấy sừng, vì sừng tê giác được sử dụng như một "biệt dược" trong y học cổ truyền phương Đông, nhất là ở Trung Quốc.

Ông Jason Bell, Giám đốc Quỹ quốc tế về bảo vệ động vật (IFAW) ở Nam Phi đánh giá việc bãi bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác là rất nguy hiểm.

Đặc biệt, nếu lệnh cấm buôn bán sản phẩm này được dỡ bỏ trên phạm vi toàn cầu thì nạn săn bắn trộm tê giác và buôn lậu sừng của loài động vật hoang dã quý hiếm này sẽ tăng đáng kể và số lượng tê giác ở Nam Phi sẽ biến mất trong vòng hai hoặc ba năm tới, nếu mức tiêu thụ sản phẩm này ở Trung Quốc vẫn tiếp tục như hiện nay".

Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Pretoria)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục