Nâng tầm thương hiệu nho Ninh Thuận

21:17' - 01/10/2016
BNEWS Giải pháp để phát triển mạnh cây nho là tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với thực tế đất đai và khu vực trồng, mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
 Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Trong khuôn khổ lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2016, chiều 1/10, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức tọa đàm “Vang và Nho Ninh Thuận”, với sự tham dự của đông đảo người trồng nho; các doanh nghiệp sản xuất, chế biến rượu vang nho cùng các ngành chức năng, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, người sản xuất, chế biến nho và ngành chức năng đã thảo luận, đưa ra các giải pháp đồng bộ mang tính đột phá để mở hướng phát triển mới cho nghề sản xuất nho của tỉnh đi đúng với quỹ đạo vốn có trước đây.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, giải pháp để phát triển mạnh cây nho là tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất phù hợp với thực tế đất đai và khu vực trồng.

Đồng thời mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua hỗ trợ người sản xuất; nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống nho có năng suất, chất lượng cao như: Giống Red Cardinal; NH-0148; NH-01.152…

Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển giao, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất bằng cách xây dựng các mô hình trình diễn về giống và kỹ thuật canh tác, qua đó để người trồng nho tiếp tục nâng cao thu nhập từ loại cây trồng này.

Ông Huỳnh Hiền, chủ cơ sở sản xuất rượu vang nho Thiên Thảo cho biết, gia đình ông đã gắn bó với cây nho hơn 30 năm nay. Nhờ cây nho mà cuộc sống gia đình ông trở nên khấm khá. Tận dụng lợi thế từ giá trị cây nho mang lại, gia đình ông đã đầu tư dây chuyền công nghệ, xây dựng cơ sở chế biến rượu vang nho với công suất 10.000 lít/năm mang thương hiệu rượu vang nho Thiên Thảo, được người tiêu dùng trong nước biết đến và rất ưa chuộng.

Nho là cây trồng chủ lực, đặc thù, có lợi thế so sánh của tỉnh. Những năm qua, nghề trồng nho đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nho hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương vùng hạn.

Một vườn trồng nho ở Ninh Thuận . Ảnh: Công Thử - TTXVN

Thời gian qua, nho Ninh Thuận có lúc trải qua thăng trầm do tác động của thời tiết, giá cả tiêu thụ, sự lấn áp của nho ngoại và đặc biệt là vấn đề xây dựng thương hiệu. Vì lẽ đó nho Ninh Thuận vẫn chưa phát huy được giá trị đích thực của nó, chưa được trải rộng khắp thị trường để người tiêu dùng trong cả nước tận hưởng và biết đến “nho Ninh Thuận”. 

Ông Đỗ Trung Thu, Chủ tịch Hiệp hội nho Ninh Thuận cho biết, nho Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2012, góp phần nâng cao vị thế nho của địa phương. Tuy nhiên, để nho Ninh Thuận đứng vững trên thị trường cần phải có sự chung tay tham gia của cả 3 nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học. Có vậy nho Ninh Thuận mới hiên ngang trước bão tố thị trường.

Hiệp hội nho Ninh Thuận luôn đồng hành với nhà nông, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hơn 350 hội viên để tham gia lớp sản xuất nho VietGAP. Hiện nay, khuynh hướng của người trồng nho đã thay đổi theo nhu cầu thị trường. Do đó diện tích sản xuất nho VietGAP tăng lên với hơn 100 ha. 

Mặc dù vậy, việc tiêu thụ nho và sản phẩm từ nho ở Ninh Thuận vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung; sản lượng, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chưa bền vững; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chưa được quan tâm...

Khung cảnh buổi tọa đàm “Vang và Nho Ninh Thuận” . Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ doanh nghiệp sản xuất thương mại, dịch vụ Ba Mọi cho rằng, thành công của nho có vai trò rất lớn của khoa học công nghệ. Chỉ có liên kết, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất mới nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nho. Chỉ có doanh nghiệp mới có đủ tiềm lực đầu tư thiết bị hiện đại để sản xuất nho, chứ để nông dân “tự bơi” là không thể.

Ông Phạm Đăng Thành, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, vấn đề khó khăn của người trồng nho đó là khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để gỡ khó cho người trồng nho, hàng năm ngành công thương luôn thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, thực hiện đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương.

Đồng thời hỗ trợ cho các trang trại nho, các doanh nghiệp, các cơ sở trồng nho mang sản phẩm nho và sau nho kết nối với thị trường các tỉnh bạn.

Với giá trị cây nho mang lại, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng đầu tư phát triển để nâng cao vị thế, giá trị của cây nho.

Ninh Thuận cũng quy hoạch khu vực trồng nho phù hợp, với tổng diện tích trên 7.900 ha; trong đó có khoảng 4.000 ha đất chủ động nước tưới; đầu tư nghiên cứu phát triển giống nho mới; xây dựng, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất nho an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản sau thu hoạch.... Đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển cây nho...

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh Ninh Thuận sẽ bổ sung, hoàn thiện việc xây dựng chương trình phát triển nho và các sản phẩm từ nho theo chuỗi giá trị trong toàn bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Qua đó để cây nho phát triển một cách bền vững và sản phẩm mang thương hiệu nho Ninh Thuận mãi “độc tôn” trên thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, hiện diện tích trồng nho ở tỉnh có 1.220 ha, tăng 61% so với năm 2010. Mặc dù nho chỉ chiếm khoảng 3% diện tích canh tác, nhưng chiếm đến 20% tổng giá trị sản xuất trong ngành trồng trọt của tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục