Thủ tướng: Ninh Thuận cần có cam kết cụ thể khích lệ nhà đầu tư

14:47' - 27/08/2016
BNEWS Sáng 27/8, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ninh Thuận cần có những cam kết chính sách rõ ràng, cụ thể để tạo niềm tin, khích lệ nhà đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Với hàng trăm đại biểu, nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự, Hội nghị là cơ hội để các tổ chức, các nhà tài trợ song phương và đa phương, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại, hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Lợi thế cạnh tranh

Là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ; thời tiết nắng ấm quanh năm, nguồn tài nguyên gió và năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước, Ninh Thuận hội tụ những điều kiện thuận lợi để trở thành một trong những trung tâm về phát triển kinh tế, nhất là năng lượng sạch; sản xuất muối công nghiệp, giống thủy sản và sản phẩm nông nghiệp giá trị cao.

Bên cạnh đó, lợi thế bờ biển dài hơn 105 km với nhiều vịnh biển đẹp như Vĩnh Vy, Bình Tiên, Ninh Chữ cũng là những cánh cửa rộng mở cho lĩnh vực kinh tế biển và du lịch trên vùng đất giàu văn hóa này.

Theo lãnh đạo tỉnh, Ninh Thuận ưu tiên các dự án đầu tư vào các cụm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh là các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh: Năng lượng; du lịch; nông nghiệp, thủy sản; sản xuất công nghiệp; giáo dục đào tạo; xây dựng và bất động sản.

Với tầm nhìn lâu dài, Ninh Thuận đã mạnh dạn thuê nhà tư vấn nước ngoài Monitor xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cảng quốc tế Cà Ná gắn với triển khai Tổ hợp công nghiệp cảng biển của Tập đoàn Hoa Sen tại địa điểm này với kỳ vọng sẽ đặt một bệ phóng thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp phát triển, thay đổi toàn diện bộ mặt và tầm vóc của địa phương thoát khỏi vị trí của một tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào trợ cấp ngân sách.

Nét đặc biệt khác là Ninh Thuận cho ra đời và phát huy tốt vai trò kiến tạo, cầu nối giữa doanh nghiệp với địa phương thông qua mô hình Văn phòng phát triển Kinh tế EDO, chuyển mạnh tư duy và hành động theo hướng phục vụ doanh nghiệp.

Khó khăn gấp đôi, cố gắng gấp ba

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng, văn hóa và truyền thống đang tạo cho Ninh Thuận lợi thế so sánh, cạnh tranh đặc biệt trong số các tỉnh, thành phố trên khắp các vùng miền của Việt Nam.

Từ khảo sát thực tế, Thủ tướng gợi ý, Ninh Thuận có thể nghiên cứu để trở thành địa phương sản xuất măng tây lớn nhất cả nước, đem lại giá trị kinh tế cao.

Với độ mặn nước biển trên 30% , Ninh Thuận có lợi thế đặc biệt cho ngành sản xuất muối.

Ngoài ra, vùng đất này còn chứa đựng thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, trồng nho, sản xuất rượu nho, nuôi cừu.

Bày tỏ vui mừng vì đang có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, chiến lược trong và ngoài nước hướng sự quan tâm đầu tư vào Ninh Thuận, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy chính quyền tỉnh cần có tư duy quản lý mới, kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo không gian và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân - những người trực tiếp tạo ra tăng trưởng; không được để tình trạng trì trệ, chậm trễ mà phải năng động, quyết liệt, cải thiện môi trường đầu tư.

Thủ tướng đánh giá, môi trường đầu tư của Ninh Thuận vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển song với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mới chỉ đứng thứ 42/63 tỉnh thành, thấp hơn đáng kể so với các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, với số lượng khoảng 2.000 doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với cả nước, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần khuyến khích tăng số lượng doanh nghiệp để tạo việc làm, tăng trưởng GDP và thu ngân sách.

“Tỉnh cần có hình thức tôn vinh doanh nghiệp, tăng nhanh số lượng và chất lượng doanh nghiệp, đồng thời đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển mà các chính sách của Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần hướng tới và hỗ trợ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng mong muốn chính quyền Ninh Thuận cần phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại với doanh nghiệp, khơi thông vốn và thị trường cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới, doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Có tổng giám đốc nói với tôi rằng để nhận được mảnh đất phải mất vài năm, rất khó đền bù tái định cư, nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp bị bỏ lỡ. Chúng ta có khắc phục được tình trạng này không? Hoàn toàn khắc phục được nếu chính quyền chúng ta mạnh, sát dân, cùng đối thoại với dân và doanh nghiệp để xử lý các vấn đề cụ thể”, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận năm 2016. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị phải ràng buộc trách nhiệm và lời nói, tạo chữ tín của người phục vụ nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu có chính quyền quản trị tốt thì ở đó doanh nghiệp tự tìm đến làm ăn, gắn bó với địa phương, Thủ tướng cho biết.

Lưu ý một số địa phương ven biển đã rơi vào tình trạng phát triển thiếu bền vững, băm nát bờ biển, chia lô, bán nền, Thủ tướng yêu cầu Ninh Thuận rút kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới quy hoạch chiến lược, phát triển kinh tế xanh, sạch, phát triển nhanh và bền vững.

Dù phát triển công nghiệp, nhưng vẫn phải hết sức chú trọng bảo vệ môi trường, nhất là khi một số dự án công nghiệp lớn dự kiến đầu tư tại tỉnh.

Theo đó, Thủ tướng khuyến khích việc nhà đầu tư cam kết với địa phương ngay từ khi triển khai dự án là nếu vi phạm môi trường, phải đóng cửa nhà máy.

Đề nghị Ninh Thuận chú trọng liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển lâu dài thông qua kết nối với các địa phương trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, tỉnh phải lưu ý để thực hiện các cam kết, đồng hành với nhà đầu tư.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý Ninh Thuận cần đưa ra thông điệp với nhà đầu tư, đó là vị trí của chúng tôi khó khăn gấp đôi, nên chúng tôi sẽ cố gắng gấp 3 để tạo điều kiện thuận lợi và thành công cho nhà đầu tư.

Cũng tại Hội nghị trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc các doanh nghiệp đã trao quyết định chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư nhiều dự án điện gió, chăn nuôi và xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, với tổng vốn cam kết đầu tư lên đến gần 9500 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục