Nên và không nên làm gì để tránh tiền trong sổ tiết kiệm bị "bốc hơi"

10:58' - 15/05/2017
BNEWS Ngân hàng xưa nay vẫn là nơi được người dân tin tưởng gửi tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro khiến tiền trong sổ "bốc hơi", bạn cần lưu ý một vài quy trình, thủ tục dưới đây.

NÊN: Kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ

Khách hàng nên kiểm tra số dư tài khoản định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Hiện nay, khách hàng có thể thực hiện kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng một cách đơn giản qua Internet Banking hoặc Mobile Banking hay đến trực tiếp phòng giao dịch của ngân hàng.

Việc làm này nhằm giúp khách hàng có thể nhanh chóng phát hiện những biến động số dư bất thường. Nếu bị mất tiền, khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng và cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết.

Càng để lâu, khách hàng sẽ càng khó có thể thu hồi được số tiền của mình do các cơ quan chức năng và ngân hàng cần nhiều thời gian trong việc điều tra, rà soát..., nhất là khi người lấy cắp tiền không còn tiền để trả lại cho khách hàng.

NÊN: Giao dịch tại quầy

Trong trường hợp hàng chục sổ tiết kiệm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) mới đây nghi bị làm giả, điểm chung của các khách hàng bị mất tiền đều do nhờ một người khác gửi hộ với lời hứa "lãi suất cao hơn" nhưng lại không có ủy quyền của người đứng tên sổ.

Ngoài ra, đối với một số khách hàng VIP, khách hàng thân thiết, nhân viên ngân hàng thường ưu ái đến tận nhà, nơi làm việc hay thậm chí là quán cà phê để giao nhận tiền và làm sổ tiết kiệm mà không phải đến quầy theo quy định. Do đó, có thể phát sinh rủi ro khi nhân viên giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống...

Khách hàng nên giao dịch tại quầy nhằm đảm bảo quyền lợi khi có rủi ro xảy ra. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, dù bạn là khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp có tiền gửi ngân hàng đều nên đến giao dịch trực tiếp tại quầy (trừ hình thức gửi tiền online). Bởi, khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.

NÊN: Gửi tiền tiết kiệm và tất toán đúng quy trình

Cũng vẫn dựa sự tin tưởng do đã thân quen, giao dịch với ngân hàng lâu năm, nhiều khách hàng chủ quan cho nợ sổ hoặc nợ chứng từ khi gửi tiền. Nhưng không ai có thể biết trước được rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào khi nhân viên thân quen ấy "ôm" trọn số tiền của khách hàng và "lặn mất tăm".

Vì vậy, hãy nhận đủ chứng từ và sổ tiết kiệm ngay khi bạn gửi tiền vào ngân hàng. Và nhớ kiểm tra thật kỹ các chi tiết trong chứng từ và sổ để tránh rủi ro cho mình. Tương tự với việc tất toán sổ tiết kiệm.

KHÔNG NÊN: Ký khống chứng từ

Với lý do để thuận tiện, đỡ mất thời gian cho những giao dịch nộp, rút tiền lần sau, không ít khách hàng đồng ý ký sẵn cả tập chứng từ trắng của ngân hàng.

Tuy nhiên, đã không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra với các mẫu giấy tờ giao dịch ký khống như vậy. Lợi dụng lòng tin của khách hàng, nhân viên ngân hàng có thể điền thông tin vào đó nhằm chiếm đoạt, "rút ruột" tiền gửi của khách hàng theo nhiều cách khác nhau.

Do đó, đây mà một cách làm tiềm ẩn nhiều rủi ro mà khách hàng nên tuyệt đối tránh.

KHÔNG NÊN: Thường xuyên thay đổi chữ ký

Chắc hẳn đã không ít lần bạn cảm thấy phiền toái, thậm chí bực bội khi bị nhân viên ngân hàng yêu cầu ký đi ký lại nhiều lần do chữ ký không chính xác. Tuy nhiên, điều đó là hoàn toàn chính đáng nhằm đảm bảo an toàn và lợi ích cho chính bản thân bạn.

Không ít khách hàng gặp phiền toái phải ký đi ký lại nhiều lần do chữ ký không chính xác. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Bởi theo một nhân viên ngân hàng, việc duy trì chữ ký xuyên suốt quá trình giao dịch rất quan trọng, đây chính là mã bảo mật xác minh việc gửi và rút tiền của khách hàng. Nếu khách hàng mở sổ tiết kiệm ký một đằng, khi tất toán lại ký nột nẻo sẽ rất khó khăn và mất thời gian cho việc đối chiếu.

Do vậy, việc duy trì một chữ ký là điều cần thiết nhằm giúp bạn thuận tiện và nhanh chóng trong quá trình giao dịch với ngân hàng.

>>> Agribank khuyến cáo khách hàng sau vụ hàng chục sổ tiết kiệm nghi bị làm giả

>>> Các vụ mất tiền trong tài khoản: Hé lộ lỗ hổng bảo mật của ngân hàng?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục