Ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong quản lý tài sản công

14:14' - 13/05/2017
BNEWS Ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong công tác quản lý tài sản công là nội dung của tọa đàm trực tuyến do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ngày 13/5, tại Hà Nội.

Tham dự tọa đàm có: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội; Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Nguyễn Tân Thịnh.

Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa. Ảnh: ĐBND

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa nêu rõ: Tài sản công là của cải của đất nước, của nhân dân, phản ánh sức mạnh kinh tế của một quốc gia. Sự tăng trưởng của nền kinh tế đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó có tài sản công.

Đây được coi là một nguồn lực quan trọng và cần thiết, nhất là trong điều kiện nước ta đang tập trung phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Do vậy nếu không quản lý, khai thác tài sản công một cách hiệu quả, chúng ta sẽ lãng phí nguồn lực to lớn của quốc gia và cũng là kẽ hở cho tham nhũng, biển thủ, lạm dụng tài sản công...

Thời gian qua, vấn đề lãng phí trong công tác quản lý tài sản công là một trong những nội dung được cử tri, dư luận rất quan tâm, bức xúc.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong công tác quản lý tài sản công" được tổ chức nhằm trao đổi, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, cử tri trong triển khai và hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản công; đồng thời làm rõ vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của nhân dân nhằm thực thi luật, hạn chế thất thoát và lãng phí trong quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia.

Tại tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tài sản công là những tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng tài sản công hiện nay còn quá nhiều bất cập.

Rất nhiều cơ quan, địa phương xây dựng công trình với chi phí rất lớn nhưng bỏ trống; lãnh đạo sử dụng xe công vào việc tư tràn lan; đất công lại cho tư nhân thuê với mục đích kinh doanh…, gây thất thoát, lãng phí.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản công, các đại biểu cho rằng, do phạm vi lớn và đối tượng sử dụng tài sản công rộng nên việc thiết lập hệ thống pháp luật cũng như tổ chức công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ, quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu còn hạn chế, thiếu trách nhiệm.

Công tác thanh kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên; việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chưa được nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản công.

Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Nguyễn Tân Thịnh cho biết: Hiện chưa có một luật nào quy định những quyên tắc chung trong quản lý, sử dụng tài sản công mà được điều chỉnh bởi rất nhiều luật khác nhau. Do vậy, đối với mỗi loại tài sản cụ thể, tùy mục tiêu quản lý chuyên ngành mà có các quy định về chế độ sử dụng khác nhau.

Trong Bộ luật Hình sự và Luật Cán bộ công chức đã quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ trong việc quản lý, sử dụng tài sản công gây lãng phí; truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan tới tài sản công, nhưng việc thực hiện ở nhiều nơi còn lúng túng, chưa nghiêm.

Còn theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Từ năm 2005 tới nay, mỗi năm nước ta có khoảng 25.000-30.000 dự án lớn, nhỏ, riêng tiền làm quy hoạch các dự án đã thất thoát hàng nghìn tỉ đồng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, giai đoạn 2016- 2020, chúng ta đầu tư 8.000 tỷ đồng để làm quy hoạch.

Đây là thất thoát vô cùng lớn. Nhiều địa phương, lãnh đạo địa phương không đủ điều kiện có xe riêng nhưng vẫn có xe đưa đón hàng ngày.

Mặt khác, vẫn còn các loại tài sản được sử dụng không đúng mục đích như chúng ta có 150.000 cơ sở nhà đất giao cho các cơ quan nhưng hiện việc quản lý ra sao chúng ta chưa nắm rõ. Vừa qua cơ quan chức năng đã rà soát 155.000 cơ sở, nhưng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, con số không chỉ dừng lại như vậy mà còn nhiều hơn thế.

Phó Giáo sư Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội khẳng định, tài sản công không phải vô hạn, vì vậy phải công bằng trong quản lý sử dụng. Việc luân chuyển hay thanh lý tài sản công phải theo quy trình, công khai minh bạch và có cơ chế thanh tra, kiểm soát và giám sát.

Trước đây, đất công thường được giao cho các cơ quan, tổ chức sử dụng không thu tiền, nhất là trong doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến nay đã chuyển thành cho thuê giá thấp, đó cũng là sự tiến bộ trong phương pháp quản lý tài sài công. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế, quy mô hẹp và chưa gắn với đổi mới ngân sách. Các quy định xử phạt vi phạm còn hạn chế và chung chung..."

Các đại biểu cho rằng, để việc quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xác lập được chủ quản lý hoặc chủ sử dụng đối với từng tài sản, nghĩa là phải có người chịu trách nhiệm chính đối với mỗi tài sản; có nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đủ sức tham mưu cho lãnh đạo, cơ quan quản lý; phát triển hệ thống quản lý dựa trên công nghệ thông tin hiện đại kết hợp với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ; xử lý nghiêm khắc những trường hợp tham nhũng, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; học tập kinh nghiệm quốc tế về quản lý và sử dụng tài sản công…/.

>>> Hạn chế mua sắm xe công đắt tiền, thu hồi xe biển xanh của doanh nghiệp

>>> Hà Nội triển khai hoạt động Trung tâm mua sắm tài sản công đầu tiên của cả nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục