Ngân hàng khuyến khích thanh toán điện tử để giảm tải ATM dịp Tết

16:45' - 07/02/2018
BNEWS Các ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức giao dịch điện tử hay cà thẻ tại các máy POS, quét mã QR... thay vì rút tiền mặt nhằm giảm tải cho các máy ATM.

Vào các dịp nghỉ lễ, Tết, nhu cầu rút tiền của người dân tại các máy ATM thường tăng gấp 2-3 lần ngày thường, đặc biệt trong dịp nghỉ tết Nguyên đán năm nay có những địa điểm ở các trung tâm, gần các doanh nghiệp nhu cầu có thể tăng nhiều hơn.

Một máy ATM báo lỗi tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Trước nhu cầu tăng đột biến này, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tiếp quỹ cho các máy ATM khi hết tiền, đảm bảo các máy ATM đều có đủ tiền phục vụ khách hàng, tránh hiện tượng ách tắc, quá tải.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức giao dịch điện tử hay cà thẻ tại các máy POS, quét mã QR... thay vì rút tiền mặt nhằm giảm tải cho các máy ATM.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm xử lý tiền mặt của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khách hàng nên sử dụng thẻ thanh toán, thẻ tín dụng hoặc các hình thức giao dịch điện tử thông qua Internet Banking, Mobile Banking cho các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ và chuyển tiền để giảm thiểu việc phải rút tiền mặt.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm xử lý tiền mặt của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVFN

Mặt khác, tại các thời điểm trước và trong các kỳ nghỉ lễ, Tết, các ngân hàng cũng như nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ thường có rất nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cho các khách hàng khi sử dụng thẻ để thanh toán, giao dịch. Đây cũng là cơ hội giúp khách hàng có thể tiết kiệm phần nào chi phí, ông Tuấn chia sẻ.

Trong trường hợp cần phải rút tiền tại các máy ATM, ông Tuấn khuyên khách hàng nên lựa chọn rút tiền tại các khu vực đặt nhiều máy ATM hoặc các máy ATM đặt tại trụ sở hoặc phòng giao dịch của các ngân hàng bởi tại các máy ATM này việc tiếp quỹ sẽ được xử lý nhanh chóng hơn các vị trí khác do không phải di chuyển nên tránh được những yếu tố khách quan do giao thông ngày lễ, Tết.

Cũng nhằm mục đích tạo thuận lợi cho khách hàng khi mua sắm, thanh toán hóa đơn mà không cần dùng tới thẻ hay tiền mặt, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) mới đây vừa ra mắt tính năng thanh toán qua mã QR trên ngân hàng di động (M-QR).

Mã QR (Quick Response code) hay còn gọi là mã phản ứng nhanh hoặc mã vạch ma trận (Matrix-barcode) - thường hiển thị dưới hình thức ô vuông màu đen trên nền trắng, chứa nhiều ký tự lạ chồng chéo. Mã này có thể được in trên hóa đơn thanh toán, trên tờ rơi, biển bảng quảng cáo hoặc đặt trên website của các địa điểm bán hàng hoặc cửa hàng hàng trực tuyến (online).

Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng Giám đốc Maritime Bank, cho biết: “Với hình thức thanh toán qua mã QR, khách hàng sẽ không mất nhiều thời gian xếp hàng, chờ đợi; dù có quên ví, quên thẻ ngân hàng, khách hàng vẫn có thể thanh toán hóa đơn tại các điểm mua sắm".

Ngoài sự chủ động từ các ngân hàng, để các giao dịch diễn ra an toàn và thuận lợi hơn, người dùng cần lưu ý bảo quản thẻ ATM cẩn thận, không đưa thẻ cho người khác sử dụng, tránh bẻ cong hoặc làm xước lớp từ trên thẻ và thường xuyên đổi mật khẩu.

Trong trường hợp bị nuốt thẻ hoặc trừ tiền trên tài khoản nhưng máy lại không chi tiền, trước tiên khách hàng cần chờ đến khi máy ATM chuyển sang chế độ chờ giao dịch tiếp để đề phòng máy ATM nhả tiền hoặc thẻ chậm.

Ông Hoàng Anh Tuấn cũng khuyến cáo khách hàng nếu dùng thẻ Vietcombank giao dịch trên máy ATM của ngân hàng khác mà gặp tình trạng như trên cần ghi lại các thông tin về địa điểm đặt máy, ký hiệu máy, thời điểm thực hiện giao dịch, số tiền bị trừ... rồi liên hệ ngay tới chi nhánh phát hành thẻ hoặc đường dây nóng của ngân hàng.

Nếu khách hàng là chủ thẻ của ngân hàng khác mà giao dịch trên máy ATM của Vietcombank tức là chủ thẻ của ngân hàng khác đang thực hiện giao dịch ngoại mạng trên máy ATM của Vietcombank khi xảy ra các tình huống trên thì liên hệ với ngân hàng phát hành thẻ để làm các thủ tục tra soát theo quy định của ngân hàng phát hành thẻ đó.

Lí giải nguyên nhân vì sao ATM nuốt thẻ, khách hàng muốn lấy lại ngay mà ngân hàng không mở máy ATM để lấy thẻ trả cho khách, ông Tuấn khẳng định không thể tùy tiện mở máy ATM để lấy thẻ ra mà phải thực hiện tuân thủ các quy trình về an toàn kho quỹ, quy trình quản lý chìa khóa ATM và quy định vận chuyển, tiếp quỹ, kiểm quỹ theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và của ngân hàng quản lý máy ATM.

Theo đó, để quản lý việc mở máy ATM đặt tại trụ sở của ngân hàng như chi nhánh hay phòng giao dịch phải đảm bảo đủ 3 người là Kiểm soát viên ATM; Thanh toán viên ATM và Thủ quỹ ATM. Để mở được két máy ATM thì phải có nhiều lớp khóa và mỗi người được giao cầm một chìa/mật mã mở một lớp khóa riêng biệt để đảm bảo không một ai có mật mã/chìa mở toàn bộ các lớp cửa khóa an toàn của két ATM.

Theo số liệu thống kê gần nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố, hiện cả nước có hơn 127 triệu thẻ ngân hàng các loại, hơn 17.300 máy ATM và hơn 260.000 máy POS. Dù số lượng máy ATM và POS không ngừng tăng nhưng với nhu cầu rút tiền mặt thường tăng đột biến những ngày gần Tết nên tình trạng máy ATM nghẽn, hết tiền vẫn còn xảy ra./.

>>>Tết đến lại lo "kẹt" ATM

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục