Tết đến lại lo "kẹt" ATM

19:26' - 04/02/2018
BNEWS Đến hẹn lại lên, thời điểm cuối năm, nhu cầu giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt của người dân lại tăng cao nhất là tại các khu vực có nhiều khu công nghiệp.

Do đó, không ít người lo lắng sẽ khó rút tiền tại các ATM do quá tải hoặc lỗi hỏng, nghẽn mạng...

Nhiều ngân hàng thương mại đã có các phương án chuẩn bị để tránh quá tải tại các máy ATM. . Ảnh: TTXVN.

"Bình thường cứ đến ngày lương của các công ty thì ATM đã chật kín người rồi chứ chưa nói tới ngày Tết, không biết vài ngày tới đi rút tiền liệu có "tắc" ATM không", chị Hà Lan (sống và làm việc tại Tp.Bắc Ninh) lo lắng chia sẻ.
Chị Lan cho biết, vào ngày mùng 5, 10 hay 15 hàng tháng, các ATM từ khu công nghiệp Yên Phong đến tận thành phố Bắc Ninh đều đông kín người xếp hàng rút tiền. Tuy cảnh ATM lỗi hỏng hay hết tiền đã cải thiện hơn trước nhưng chờ rút tiền vẫn tốn khá nhiều thời gian.
Trong khi đó, chị Bình An (cũng làm việc tại Bắc Ninh) cho hay, do nhà khá gần cây ATM nên chị thường đợi một vài hôm sau ngày "cao điểm" mới ra rút tiền. "Năm nay, lương, thưởng của công ty đã chuyển khoản từ tuần trước, nên chúng tôi có thể từ từ rút tiền gửi về quê chứ không bị quá cập rập rút ngay", chị An nói thêm.
Lường trước tình hình này, nhiều ngân hàng thương mại đã có các phương án chuẩn bị để tránh quá tải tại các máy ATM.
Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: "Nhu cầu rút tiền của người dân tại các máy ATM vào các dịp nghỉ lễ, Tết thường tăng gấp 2-3 lần ngày thường, đặc biệt trong dịp nghỉ tết Nguyên đán có những địa điểm có thể tăng nhiều hơn".
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến này, như mọi năm trước khi nghỉ tết, Ban Lãnh đạo BIDV đã có văn bản chuyển tải nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đến các chi nhánh, trung tâm kho quỹ của BIDV giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ để đáp ứng tối đa nhu cầu rút tiền của khách hàng trong những ngày này.

"Các chi nhánh, trung tâm kho quỹ phân công cán bộ trực, nhận cảnh báo tình hình tồn quỹ ATM qua điện thoại di động, qua các chương trình giám sát nội bộ BIDV, tính toán tần suất rút tiền và lên kế hoạch sẵn sàng tiếp quỹ cho các máy ATM khi hết tiền để đảm bảo các máy ATM của BIDV đều có đủ tiền phục vụ khách hàng, tránh hiện tượng tập trung vào một số máy ATM gây ách tắc, quá tải", đại diện BIDV nói thêm.
Cũng nhằm mục đích rút ngắn thời gian thao tác rút tiền tại ATM, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín lại bổ sung chức năng rút tiền nhanh bằng QR (Sacombank QR Cash) vào ứng dụng mCard.
Theo đại diện ngân hàng, các chủ thẻ Sacombank (trừ thẻ doanh nghiệp, thẻ trả trước vô danh) có thể dùng thiết bị di động (điện thoại/máy tính bảng) quét mã QR hiển thị trên màn hình ATM để thực hiện giao dịch rút tiền một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn vì không cần sử dụng thẻ nhựa như thông thường.
Và để tránh trường hợp không rút được tiền tại các ATM dịp Tết, đại diện BIDV khuyến cáo khách hàng nên tính toán lượng tiền mặt cần rút một cách hợp lý. Trường hợp khách hàng rút tiền với số lượng lớn, khách hàng nên đến các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng để được phục vụ một cách tốt nhất. Với các giao dịch thanh toán, khách hàng nên lựa chọn các hình thức thanh toán qua các điểm giao dịch của ngân hàng hoặc qua các dịch vụ thanh toán điện tử...
Ngoài ra, trước khi rút tiền, khách hàng nên quan sát các địa điểm ATM, tránh các địa điểm đang có đông người rút và tuyệt đối không đưa thẻ của mình cho người khác giao dịch hộ.
Trong trường hợp chủ thẻ đã thực hiện rút tiền và không nhận được tiền, khách hàng nên tra cứu thông tin tài khoản của mình qua hệ thống thanh toán trực tuyến hoặc gọi điện đến tổng đài của ngân hàng để kiểm tra và gửi thông tin khiếu nại nếu tài khoản bị trừ để được xử lý kịp thời.
Trước đó, ngay từ cuối tháng 12/2017, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM trong dịp Tết Nguyên đán 2018. Trong đó, yêu cầu các ngân hàng thương mại thường xuyên giám sát hoạt động của hệ thống ATM (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn) để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, các trường hợp ATM hết tiền, ngừng hoạt động đảm bảo hệ thống ATM hoạt động ổn định, liên tục và thông suốt.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại sẵn sàng nhân lực và tiền mặt để tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời cho ATM, không để ATM ngừng hoạt động. Mặt khác, tăng cường các máy ATM lưu động phục vụ tại các địa bàn xảy ra hiện tượng ATM quá tải (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ đã có trang bị ATM lưu động)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục