Ngành công thương sẽ có 25 dịch vụ công triển khai thương mại điện tử

16:31' - 27/10/2015
BNEWS Trong năm 2015, ngành Công Thương đặt mục tiêu triển khai 13 dịch vụ công lên cấp độ 3 và 8 dịch vụ công lên cấp độ 4

Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy ngành sẽ hoàn thành 25 dịch vụ công lên cấp độ 3 và 4 trong năm nay.

Triển khai thương mại điện tử các dịch vụ công. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là thông tin được cho biết tại hội thảo "Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính của ngành Công Thương", tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/10.

Theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, quá trình cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, ngành hiện không thể tách rời lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ thông tin.

Riêng đối với ngành Công Thương, quá trình cải cách thủ tục hành chính thông qua ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ thông tin đã được xây dựng với bốn cấp độ gồm: cấp độ 1 và 2 là thủ tục, văn bản pháp lý được đưa lên mạng để các đối tượng có nhu cầu cập nhật và sử dụng; cấp độ 3 là khai báo qua thương mại điện tử và cấp độ 4 là toàn bộ thủ tục hành chính đều thực hiện qua thương mại điện tử.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Công Thương trong việc cải cách về quy định, thủ tục hành chính trong thời gian gần đây, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng ngành cần tiếp tục đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính cũng như đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ thông tin hơn nữa.

Trong đó, một số doanh nghiệp, hiệp hội tại khu vực phía Nam, nhận định, khâu hậu kiểm và kiểm soát chất lượng hàng hóa còn nhiều hạn chế và bất cập dù để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật với những quy định phù hợp.

Cụ thể, đại diện ngành dệt may, cho biết, các quy định trong Thông tư 32/2009/TT-BCT (gọi tắt là Thông tư 32) do Bộ Công Thương ban hành ngày 5/11/2009, quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng Formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong điều kiện khử mùi trên sản phẩm dệt may, áp dụng cho hầu như tất cả các mặt hàng sản phẩm dệt may thuộc mọi loại hình nhập khẩu, ngoại trừ loại hình gia công xuất khẩu, đã bộc lộ nhiều bấp cập.

Bên cạnh đó, đây là là một loại "giấy phép con" và việc kiểm tra này chỉ mang tính hình thức, gây khó khăn cho doanh nghiệp chứ không phát huy được hiệu quả thực tế.

Tương tự, ông Trần Anh Thuy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Rượu Phú Lễ chia sẻ, sau nhiều năm, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản pháp lý và hệ thống quy định về tiêu chuẩn cho sản phẩm rượu, doanh nghiệp để phát triển bền vững hơn.

Trong đó, để sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phải được cấp tem tiêu chuẩn và có sản phẩm phải chịu mức thuế suất đặc biệt khá cao.

Tuy nhiên, khâu hậu kiểm, giám sát hạn chế dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng giả được phân phối, bán buôn tràn lan, tác động đến thị trường và gây nhiều thách thức cho doanh nghiệp.

Tại hội thảo, bên cạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hiệp hội khu vực phía Nam, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công Thương nhấn mạnh, ý kiến phản hồi các cơ chế chính sách của cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách các quy định, thủ tục hành chính của ngành Công Thương.

Đặc biệt, những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp sẽ hỗ trợ ngành Công Thương nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, ban hành chính sách, pháp luật và tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm quy định, thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Dự kiến năm 2016, ngành Công Thương sẽ triển khai nâng cấp hầu hết các dịch vụ công lên cấp độ 3 và 4, tức là kê khai và xử lý qua thương mại điện tử./.

Mỹ Phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục