Ngành công thương TPHCM vận hành 55 thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến

12:37' - 29/12/2017
BNEWS Ngày 29/12, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh công bố chính thức đưa vào vận hành 55 thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến (cấp độ 4) trong tổng số 107 thủ tục tại Sở.

Đây được kỳ vọng là giải pháp tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện tốt việc phối hợp giữa các ngành, các cấp, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của ngành công thương trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh vận hành 55 thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến được xây dựng triển khai đối với 11 nhóm lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu; thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá; xăng dầu; hợp đồng mẫu; đấu nghiệp vụ thương mại; khuyến mại, triển lãm thương mại…; trong đó, doanh nghiệp ở bất cứ đâu cũng có thể vào webssite của Sở Công Thương thành phố đăng ký tài khoản, nhận mã, thực hiện các bước hướng dẫn…
Với phương thức này, doanh nghiệp không chỉ giảm thời gian, tiết kiệm chi phí… mà còn có thể theo dõi tiến trình hồ sơ của mình. Đặc biệt, Sở Công Thương còn phối hợp với ngành bưu định, viễn thông, ngân hàng... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh để thực hiện nhiều dịch vụ trả kết quả đến địa chỉ yêu cầu, đường dây nóng chăm sóc khách hàng, áp dụng sử dụng đa dạng thẻ thanh toán trực tuyến và ATM…
Bên cạnh đưa vào vận hành thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh còn nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Sở, đảm bảo cung cấp nhiều thông tin kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, giá cả thị trường… trên địa bàn thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử, song song với thông tin và cơ sở dữ liệu của ngành công thương được cập nhật hàng ngày, các thông tin đáng chú ý như tỷ giá, giá vàng; trả lời hỏi đáp doanh nghiệp… cũng được đẩy mạnh cập nhật trong thời gian định kỳ.
Thống kê cho thấy, mỗi năm có hơn 60.000 lượt người đến Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công liên quan đến ngành. Trong một ngày, có hàng trăm doanh nghiệp đến Sở Công Thương nhận và trả hồ sơ. Trước bối cảnh đó, ngành công thương thành phố đã và đang nghiên cứu, khảo sát thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với dịch vụ công thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương, cho hay để triển khai các chương trình hành động hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương đã tập trung nhiều giải pháp đổi mới cách tiếp xúc và phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm”.
Điển hình, nếu trước đây doanh nghiệp cần thì phải trực tiếp đến Sở Công Thương, nhưng trong 2017 vừa qua Ban lãnh đạo và nhiều phòng ban của Sở đã chủ động thực hiện quy trình tìm đến với người dân, doanh nghiệp. Tính đến nay, ngành công thương thành phố đã tiếp cận trực tiếp hơn 320 doanh nghiệp, ghi nhận 116 nhóm vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, để kịp thời hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này phát triển.
“Kể từ 1/1/2018, Sở Công Thương chính thức đưa vào vận hành 55 thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến (cấp độ 4) là những thủ tục hành chính và dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp đến Sở Công Thương có nhu cầu cao. Còn đối với các thủ tục còn lại trong tổng số 107 thủ tục hành chính với dịch vụ công, Sở sẽ nỗ lực triển khai sớm nhất trong thời gian tới. Với giải pháp này, số lượng người dân, doanh nghiệp phải trực tiếp đến Sở Công Thương sẽ giảm rất nhiều, bên cạnh chất lượng phục vụ được cam kết tốt và thân thiện hơn trước”, ông Phạm Thành Kiên, cho biết thêm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục