Ngành da giày Việt Nam rộng cửa phát triển

19:37' - 21/03/2018
BNEWS Mặc dù gặp không ít thách thức nhưng ngành da giày Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh trong khoảng 20 năm tới.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị thượng đỉnh ngành da giày Việt Nam năm 2018, do Hiệp hội da giày tùi xách Việt Nam (Lefaso) phối hợp với Công ty ECV Internation tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21/3.

Ngành da giày Việt Nam rộng cửa phát triển. Ảnh: TTXVN

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, Việt Nam hiện đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 3 về sản xuất da giầy. Năm 2017, giá trị xuất khẩu các sản phẩm thuộc da của Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD; trong đó, riêng mặt hàng giày da đạt 16,4 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2016.

Thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ chiếm 36%, tiếp đến là EU với khoảng 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, ngành da giày Việt Nam vẫn rộng cửa phát triển trong khoảng 20 năm tới. Cụ thể, Việt Nam đã đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thị trường với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và thực thi; trong đó, có những FTA với các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Nhật, Nga, ASEAN, CPCPP...

Quá trình này giúp các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường với mức thuế suất ưu đãi hơn và tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất xuất khẩu; trong đó có da giày.
Về con người, Việt Nam có lợi thế về cơ cấu dân số vàng với gần 67% dân số trong độ tuổi 17 – 60, lao động Việt Nam cũng có sự khéo léo và khả năng tiếp nhận công nghệ cao, đảm bảo nguồn cung lao động trong thời gian tới. Quy mô dân số gần 95 triệu người cũng chính là thị trường tiêu thụ khá lớn cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Thêm vào đó, tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày đạt khoảng 45%. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp hầu hết các loại đế giày, dây giày, cung cấp khoảng 50% nguyên phụ liệu sản xuất giày cấp trung và 20% cho giày cấp cao.

Với xu hướng đầu tư hiện nay, ước tính đến năm 2030, Việt Nam có thể cung ứng tới 60% nguyên liệu thuộc da phục vụ sản xuất giày da, túi xách
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang có nhiều chính sách ưu tiên phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều này tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, từ đó gia tăng khả năng cung ứng nội địa, từng bước kết nối chuỗi sản xuất.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, Trưởng phòng Chiến lược và Chính sách hội nhập (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong ngành thuộc da và 500.000 lao động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Hầu hết công nhân làm việc trong ngành da giày Việt Nam có kỹ năng làm việc tốt hơn so với công nhân các thị trường mới nổi như Campuchia, Bangladesh, Ethiopia, Myanmar…
Hơn nữa, xét tổng thể Việt Nam vẫn có lợi thế về chi phí nhân công so với các đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc, Thái Lan. Mặt khác, với các quốc gia thu hút sản xuất hàng giá rẻ, Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn, năm 2017, giá trị trung bình một đôi giày của Việt Nam sản xuất đạt 15,4 USD.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thủy nhận định, khả năng phát triển của ngành da giày Việt Nam sẽ còn rộng mở hơn nhờ hiệu ứng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Cụ thể, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu hàng da giày lớn thứ 2 của Việt Nam với khoảng 30% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, Đức, Pháp, Bỉ là các thị trường chính. Vì vậy, khi EVFTA đi vào thực thi, Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu hơn, đồng thời tạo xung lực thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, ngành giày da Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức như sự gia tăng về chi phí nhân công, khả năng tự động hóa, xu hướng bảo hộ thương mại của một số thị trường...

Cụ thể, về chi phí nhân công, từ năm 2010 – 2017 mức lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng thêm 3,02%, trong khi đó giá trị GDP mới tăng 2,04%. Điều này cho thấy, mức lương đã tăng nhanh hơn năng suất lao động.
Về khả năng ứng dụng công nghệ, hơn 75% doanh nghiệp da giày Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có ít nguồn vốn đầu tư cho công nghệ và tự động hóa. Trong khi đó, thị trường thế giới biến động không ngừng, ngoài xu hướng bảo hộ của Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất, Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh về giá nhân công từ nhiều quốc gia khác như Campuchia, Bangladesh, Ethiopia...

Mặt khác, khách hàng ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn về chuỗi cung ứng, nguyên liệu, máy móc, vận chuyển…, đồng thời lại giới hạn chi phí sản xuất và rút ngắn thời gian giao hàng.
Vì vậy, để tận dụng tốt các lợi thế phát triển từ hội nhập, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tỷ lệ nguyên liệu nội địa hóa cũng như các trách nhiệm xã hội khác đã cam kết.

Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ và EU, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tập trung khai thác thị trường châu Á vì đây là khu vực tiêu dùng hơn 50% số sản phẩm giày, dép của toàn thế giới.
Thêm vào đó, với sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng, doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển phù hợp. Cần xác định chọn đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khác nhau hay tập trung vào một số sản phẩm nhất định để khai thác tối đa một phân khúc thị trường.
Tương tự, ông Phiplip Kimmel, Giám đốc Công ty Kingmaker Footwears cho rằng, các nhà máy da giày hiện đại phải sản xuất tinh gọn, dùng ít lao động hơn nhưng vẫn đạt năng suất, chất lượng cao hơn, giúp cắt giảm chi phí. Không chỉ thay đổi quy trình mà còn là tổ chức lại sản xuất, linh hoạt hơn trong phân công và quản lý lao động.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, ngành da giày là một phần của ngành thời trang - ngành có tốc độ thay đổi rất nhanh vì vậy các doanh nghiệp phải rút ngắn thời gian giao hàng, bắt kịp các xu hướng của thị trường.

Kể cả các doanh nghiệp gia công cũng phải thay đổi, tham gia nhiều hơn vào việc tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm như thiết kế, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu để hỗ trợ khách mua hàng tốt hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục