Ngành điều Việt Nam nỗ lực giữ "ngôi" đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều

21:06' - 14/11/2017
BNEWS Sau gần 30 năm tham gia xuất khẩu, ngành điều Việt Nam đã khẳng định vị thế, không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành quốc gia chế biến, xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới.
 
Ngành điều Việt Nam nỗ lực giữ "ngôi" đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều. Ảnh minh họa: TTXVN

Xuất khẩu hạt điều Việt Nam tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới khi chiếm 50% lượng điều thô chế biến và trên 60% điều nhân xuất khẩu toàn cầu.

Lực hút của điều Việt Nam

Tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 9 năm 2017 được tổ chức ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 14/11, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, đây là năm đầu tiên ngành điều nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác quốc tế.

Nếu như những năm trước, chỉ có khoảng trên dưới 200-300 doanh nghiệp quốc tế tham gia, thì năm nay con số này đã là 500 doanh nghiệp. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của ngành điều Việt Nam trong tương lai là rất lớn.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành điều trong những năm gần đây chính là nguyên nhân thu hút các đối tác trên thế giới tham gia vào sự kiện này. Mục tiêu giữ "ngôi" đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều của Việt Nam 12 năm liên tiếp hoàn toàn có khả năng thực hiện trong năm 2017.

Thông tin từ Trung tâm Công nghiệp và Thương mại cho thấy, xuất khẩu nhân điều tăng cả số lượng và trị giá so với năm 2016. Cụ thể, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu điều của cả nước đạt 294.000 tấn và 2,9 tỷ USD, tăng 0,4% về số lượng và tăng 25,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2016.

Giá điều nhân Việt Nam xuất khẩu trong năm 2017 tăng mạnh từ 25-26% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cho thấy, nhu cầu người tiêu dùng thế giới không chỉ tăng, mà họ chấp nhận trả nhiều tiền hơn để ăn hạt điều.

Theo ông Micheal Waring, Phó chủ tịch Hội đồng hạt quả khô thế giới (INC), kể từ khi được Tạp chí Sức khỏe Thế giới công bố hàm lượng dinh dưỡng có trong hạt điều thì hạt điều luôn là loại hạt nổi trội và được ưu tiên lựa chọn so với các loại hạt khác như hạnh nhân, óc chó, hạt phỉ,…

Đồng thời, với yêu cầu khắt khe trong lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng, người tiêu dùng châu Âu cũng đặt nhiều sự quan tâm lên sản phẩm hạt điều. Đây chính là lý do hạt điều có tiềm năng được sử dụng nhiều hơn trong thời gian tới và cũng là tín hiệu vui cho ngành chế biến xuất khẩu điều của Việt Nam.

Nhận thấy nhiều tiềm năng phát triển của ngành điều, đã có một số đối tác đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoặc tìm cách liên kết với các doanh nghiệp trong nước.

Ông V.GoPalakrishnan, Giám đốc phụ trách mảng điều của Công ty ETG (Dubai) tại Việt Nam chia sẻ, hiện nay Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới nhiều năm liền.

Với sản lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm hơn 60% thị trường thế giới, thì đây là thị trường cần một lượng điều nguyên liệu rất lớn để phục vụ cho chế biến, xuất khẩu. Do đó, Công ty ETG đầu tư vào Việt Nam để tiêu thụ nguồn nguyên liệu hiện có là một liên kết hợp lý để cùng phát triển ngành điều của hai bên.

Nâng cao vị thế ngành điều

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS, lợi thế của ngành điều Việt Nam là làm chủ được công nghệ chế biến từ hạt điều thô đến nhân điều thành phẩm, thậm chí làm được nhiều sản phẩm chế biến sâu có giá trị.

Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cử đoàn sang khảo sát, đánh giá chất lượng các cơ sở chế biến điều và hạt điều Việt Nam. Kết quả, 100% nhà máy được kiểm tra đều đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Điều này cho thấy vấn đề uy tín, chất lượng đang được các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tập trung thực hiện.

“Mục tiêu của ngành điều Việt Nam hiện đang hướng đến người tiêu dùng trên toàn cầu, cung cấp ra thị trường các sản phẩm từ cây điều an toàn thực phẩm, phát triển bền vững vì cộng đồng. Chúng tôi cam kết cung cấp những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chất lượng tốt nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đồng thời, sản phẩm không sử dụng giống biến đổi gene, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không có hiện tượng nấm mốc, vi sinh vật và không sử dụng lao động cưỡng bức”, đại diện VINACAS khẳng định.

Cũng từ đó, ngành điều đưa ra 3 chương trình hành động là đồng hành cùng nhà nông, xã hội hóa công tác giống, áp dụng sản xuất sạch hơn bằng cải tiến máy móc thiết bị và chương trình chế biến sâu nâng cao giá trị hạt điều.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của ngành điều, sự quan tâm của của thế giới cho thấy nhu cầu tiêu thụ các loại hạt tăng mạnh, đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện nay hạt điều là một trong 9 nông sản chủ lực của nước ta được đưa vào Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương triển khai Chiến lược Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam.

Để nâng cao vị thế của ngành điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội điều Việt Nam đã và đang khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, triển khai các dự án khuyến nông cho cây điều. Phát động phong trào chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn thực phẩm, quảng bá và xúc tiến thương mại để tiếp tục đưa ngành điều Việt Nam tiếp tục phát triển.

“Để tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành điều Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế và nâng cao giá trị gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều tích cực hơn nữa trong việc liên kết với các vùng nguyên liệu theo hướng cánh đồng lớn bao tiêu sản phẩm.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư hỗ trợ người sản xuất nguyên liệu thâm canh, trồng thay thế, ghép cải tạo nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng vườn điều”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục