Ngành đường lo ứng phó với ATIGA

15:11' - 30/12/2017
BNEWS Ngành mía đường Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh rất lớn bởi từ 1/1/2018 tới đây, hạn ngạch nhập khẩu đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ và thuế suất nhập khẩu còn 5%.
Ngành đường lo ứng phó với ATIGA. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo lộ trình cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), kể từ ngày 1/1/2018, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ là 5%. Trước sức ép cạnh tranh với đường ngoại nhập giá rẻ trong khu vực (nhất là đường Thái Lan), ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước áp lực buộc phải đổi mới nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

“Bùng nổ” xu hướng M&A

Sau một thời gian đàm phán, cuối tháng 11/2017, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã quyết định đầu tư sở hữu 65% cổ phần (trị giá 1.000 tỷ đồng) của Công ty TNHH Đường Khánh Hòa. Với sự hợp tác này, Vinamilk về cơ bản đã khép kín chuỗi cung ứng của mình, còn Công ty TNHH Đường Khánh Hòa có cơ hội tái cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Sau khi đổi tên thành Công ty cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar), Công ty này sẽ đầu tư mở rộng công suất lên 15.000 tấn mía/ngày, thay vì chỉ 10.000 tấn/ngày như trước đây và luyện độc lập đường thô 2.000 tấn/ngày, tăng 500 tấn/ngày.

Từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đường Khánh Hòa và nay là Tổng Giám đốc Vietsugar, ông Đỗ Thành Liêm cho biết: Mặc dù trong thời gian qua, Công ty TNHH Đường Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên nền kinh tế thị trường cần có những bước chuyển mang tính đột phá để phù hợp với xu thế phát triển. Hy vọng sự hợp tác này sẽ mang lại sức bật mới cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung cũng như ngành mía đường Việt Nam trong thời gian tới.

Với sự đầu tư và kinh nghiệm quản trị tiên tiến của Vinamilk, thương vụ này được đánh giá sẽ mang lại hướng đi mới cho ngành mía đường Việt Nam, từng bước chủ động hội nhập vào sân chơi khu vực và toàn cầu.

Trước đó, vào tháng 5/2017, ngành mía đường cũng “rung động” thông tin khi chứng kiến thương vụ sáp nhập lớn nhất của ngành. Đó là khi Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) và Công ty cổ phần Đường Biên Hòa cùng sáp nhập để tạo nên một công ty đường lớn nhất Việt Nam với thị phần trên 30%.

Việc sáp nhập này cũng góp phần mang tới sự chủ động hơn cho doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu khi TTCS có 49.000 héc ta trồng mía nguyên liệu, chưa kể vùng nguyên liệu tại Lào của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai được cả hai mua lại trước đó.

Ngoài xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A), trong thời gian gần đây, ngành mía đường cũng chứng kiến một xu hướng liên kết mới. Đó là sự hợp tác giữa doanh nghiệp mía đường với doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ đường, như vụ hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Thành Thành Công với Tập đoàn KIDO diễn ra cách đây nửa tháng.

Theo đó, từ đầu năm 2018, TTC chịu trách nhiệm sản xuất, cung ứng đường Biên Hòa Daily để KIDO phân phối trên hệ thống hơn 200 nhà phân phối và 450.000 điểm bán lẻ, đồng thời cam kết doanh số bán hàng hằng năm. Trong giai đoạn 2, dưới sự bảo trợ, nhượng quyền của TTC, hai bên sẽ phát triển thêm các dòng sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc M&A giữa các doanh nghiệp mía đường sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, giảm giá thành từ việc tiết kiệm chi phí, sử dụng được nguồn nhân sự giỏi của đối tác… Từ đó nâng cao được nội lực, sức mạnh tài chính để tạo ra các giá trị gia tăng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trước sức ép của đường ngoại trên thị trường nội địa.

Tập trung hạ giá thành sản phẩm

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tái cơ cấu lại ngành mía đường, tái cấu trúc lại doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để ngành mía đường nâng cao tính cạnh tranh.

Bản thân các doanh nghiệp trong ngành có những ưu thế và yếu kém nhất định nên buộc phải thay đổi theo hướng sáp nhập, liên kết hoặc di dời tới gần vùng nguyên liệu.... Đơn cử như việc hợp tác giữa Vinamilk và Công ty TNHH Đường Khánh Hòa mới đây cũng là liên kết để cả hai cùng mạnh hơn.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, bên cạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp thì vấn đề mấu chốt hiện nay của ngành đường vẫn là phải kéo giá thành sản xuất cây mía xuống. Bởi đây là khâu quan trọng nhất khiến giá thành đường trong nước cao hơn đối thủ cạnh tranh.

Ngoại trừ một số “đại gia” như Thành Thành Công có chi phí sản xuất 30 USD/tấn mía thì phần lớn các doanh nghiệp đang phải sản xuất, thu mua ở mức 50 USD/tấn. Trong khi đó, chi phí sản xuất mía ở Bzaril chỉ có 16 USD/tấn mía, Australia 18-20 USD/tấn, Thái Lan 30 USD/tấn.

Để giảm giá thành sản xuất cây mía, Giáo sư Xuân cho rằng, không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn để cơ giới hóa. Có như vậy mới giảm được chi phí giá thành còn 50% so với cách làm hiện nay.

Mặt khác, cây mía cũng đang chịu tác động lớn của bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn và sự cạnh tranh của các cây trồng khác. Do vậy, để giữ vùng nguyên liệu, các nhà máy đường cần có cơ chế hỗ trợ, chia sẻ lợi nhuận với người nông dân trồng mía, hỗ trợ giống mía, kỹ thuật cho bà con nông dân tăng cao năng suất chất lượng mía để nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con nông dân.

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm đường Việt Nam, không có cách nào khác ngoài việc các doanh nghiệp phải tập trung nghiên cứu hạ giá thành sản phẩm.

Các nhà máy đường có thể chủ động trong giảm giá thành sản phẩm bằng cách tạo lập kênh phân phối của chính mình, bởi có như vậy, mới có thể kiểm soát, bình ổn được giá đường trong nước. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong việc đầu tư, nghiên cứu nhập khẩu giống mía, nâng cao chất lượng chữ lượng đường trong mía làm tăng năng suất mía mới mang lại hiệu quả cao trong sản xuất đường giúp giảm giá thành đường.

Ngoài ra, để lành mạnh hóa thị trường đường trong nước, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần có những chính sách hữu hiệu ngăn chặn đường nhập lậu đang hoành hành hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục