Sản xuất mía đường ở ĐBSCL: Thiếu nguyên liệu sản xuất

18:42' - 19/07/2017
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến mía đường trong niên vụ 2016-2017 tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Sản xuất mía đường ở ĐBSCL: Thiếu nguyên liệu sản xuất. Ảnh minh họa: Thanh Hòa – TTXVN

Điển hình là quy hoạch và triển khai quy hoạch còn nhiều hạn chế, hiện không còn phù hợp dẫn đến việc nhiều nhà máy vẫn bị thiếu nguyên liệu.

Trên địa bàn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 10 nhà máy chế biến đường, niên vụ 2016-2017 có hai nhà máy ngừng hoạt động.

Cụ thể, nhà máy đường Hiệp Hòa ngừng hoạt động do khó khăn về tài chính, nhà máy đường Kiên Giang tạm ngừng sản xuất để di dời đến Tây Ninh vì không có nguyên liệu sản xuất.

Một số nhà máy khác như nhà máy đường Cà Mau, Bến Tre còn thiếu nguyên liệu phải mua nguyên liệu từ các vùng khác.

Việc đầu tư phát triển các giống mía năng suất, chất lượng cao vẫn chưa được thích đáng, cần có sự thay đổi đồng bộ, loại bỏ hoàn toàn các giống mía đã được trồng quá lâu, thay vào đó là những giống mới có năng suất cao phù hợp với khí hậu và vùng đất canh tác.

Cùng với đó là kỹ thuật thâm canh chưa hợp lý, cơ giới hóa trong sản xuất mía còn thấp.

Đặc biệt, tổn thất sau thu hoạch trên mía ở Đồng bằng sông Cửu Long còn quá cao.

Tỷ lệ tiêu hao mía nguyên liệu quá lớn (11,3 mía/đường) và tăng mạnh so với năm ngoái (10,4 mía/đường).

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các nhà máy ép được trên 1,32 triệu tấn mía, sản xuất được gần 116.670 tấn đường.

So với 6 tháng đầu năm 2016 lượng mái ép tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 7%; lượng đường giảm 14,7%.

Ngoài ra, việc tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất mía đường để nâng cao hiệu quả sản xuất chưa được quan tâm đúng mức.

Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giá mua mía ổn định nhất từ đầu vụ và đã hạn chế được tình trạng tranh mua, tranh bán diễn ra nhiều năm trước đây.

Các nhà máy đường ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đường.

Cơ cấu sản phẩm đã có sự thay đổi, tỷ trọng đường tinh luyện (RE) ngày càng tăng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long tập trung chăm sóc tốt diện tích mía hiện có để đạt sản lượng cao nhất cho vụ tới; đồng thời thực hiện nghiêm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu QCVN 01-98:2012/BNNPTNT để nâng cao chất lượng mía đưa vào sản xuất đường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục