Ngành Tài chính với sức ép thu, chi ngân sách

12:13' - 06/07/2018
BNEWS Sức ép lạm phát tăng lên; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, đổi mới khu vực sự nghiệp công còn chậm... đã có tác động không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách.
Kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục cải thiện, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tích cực trong năm 2017 và xu hướng phát triển tốt trong quý I, kinh tế cũng đối mặt không ít khó khăn như: sức ép lạm phát tăng lên; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, đổi mới khu vực sự nghiệp công còn chậm. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy mới ở giai đoạn chuẩn bị thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm… cũng tác động không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách.

* Hủy bỏ dự toán, nếu không chi hết

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, các khoản thu nội địa trừ đất, cổ phần hoá, cổ tức, lợi nhuận để lại, xổ số kiến thiết… đạt 46,6% dự toán, tăng 13%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và CPI. Thu ngân sách Trung ương 6 tháng đạt 46,2%, cao hơn cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách địa phương đạt 54% dự toán, có 43/63 địa phương thu nội địa đạt trên 50% dự toán, nhưng vẫn còn một số địa phương thu thấp hơn dự toán. 
Ngành tài chính với sức ép thu, chi ngân sách. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng-TTXVN

Thu từ 3 khu vực kinh tế dù tăng so với cùng kỳ, nhưng đạt thấp so với dự toán. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank mới đạt 39% dự toán, từ các doanh nghiệp ngành viễn thông cũng chỉ đạt 34,3% dự toán. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô thuộc khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 36,8%...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, các khoản thu 6 tháng đầu năm là tích cực, nhưng các khoản thu từ sản xuất kinh doanh còn thấp. Do vậy, trong 6 tháng cuối năm lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo sát sao, thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu phù hợp với thực tế địa phương, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018.

Trong 6 tháng đầu năm, chi ngân sách Nhà nước được quản lý chặt chẽ, đảm bảo cân đối với dự toán, cân đối với ngân sách các cấp. Nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 đã sử dụng khoảng 4.600 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, gia cố đê điều, hồ đập..., xuất cấp 61.400 tấn gạo hỗ trợ cho nhân dân, học sinh vùng khó khăn.

Thực hiện giải ngân vốn 6 tháng đạt 32,5% dự toán; trong đó 35 Bộ, ngành và 6 địa phương có tiến độ giải ngân thấp hơn 25%. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong xây dựng cơ bản để thúc đẩy giải ngân theo kế hoạch năm 2018, đặc biệt chú ý rà soát khả năng giải ngân của các dự án để chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018 là năm thứ hai thực hiện các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, việc chuyển nguồn chi thường xuyên chỉ cho phép đối với một số khoản chi nhất định như: chi chế độ chính sách cho con người, trường học, công nghệ… Còn lại cơ bản đến hết niên độ ngân sách mà không chi hết thì sẽ hủy bỏ dự toán, kể cả các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu.

Theo Bộ trưởng, các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt chỉ đạo để triển khai giải ngân đúng dự toán, đúng chế độ quy định. Địa phương cần phấn đấu thu đạt và vượt dự toán để có thêm nguồn chi tiêu, trường hợp nguồn thu dự kiến giảm so với dự toán thì phải chủ động giữ lại 50% dự phòng ngân sách địa phương nhằm đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương. Sau khi sử dụng các nguồn dự phòng, dự trữ mà vẫn không đủ bù đắp giảm thu thì phải chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi; trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển của địa phương...

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, thời gian tới cần phải tăng chi cho đầu tư phát triển; thúc đẩy giải ngân bởi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế mà còn gia tăng áp lực trả nợ, hệ quả của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ gây rất nhiều lãng phí, thất thoát.

Về tình trạng chấp hành kỷ luật ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận ở nhiều nơi, nhiều chỗ thực hiện chưa nghiêm túc. Vẫn còn tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức, dự toán; nhiều công trình đội vốn cao, giải ngân vốn vay nước ngoài vượt kế hoạch, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, thất thoát lãng phí còn xảy ra ở nhiều công trình.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, ngành tài chính sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo đúng chế độ chính sách trong phạm vi dự toán được giao...

Nhận định về tình hình thu ngân sách thời gian qua, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nếu so với dự toán, mức thu ngân sách như trên là chưa cao. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, thu ngân sách cũng đã góp phần đảm bảo chi cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, chi cho an sinh xã hội.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, từ nay tới cuối năm, bằng mọi nỗ lực, ngành tài chính phải hoàn thành chỉ tiêu, cố gắng đảm bảo nguồn thu, ít nhất so với dự toán nếu không sẽ không đáp ứng nguồn chi dẫn đến bội chi tăng cao.

"Trong cơ cấu chi, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn vì vậy ngành tài chính phải đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước, hướng tới hiệu quả, bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, việc chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả phải đặt lên hàng đầu khi các nguồn thu dần hẹp lại; giảm chi thường xuyên, điều hành chặt chẽ, chi trong phạm vi dự toán", PGS,TS Ngô Trí Long nói.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp để tăng thu ngân sách Nhà nước như thuế, cổ phần hóa..., thời gian tới cần phải giảm chi thường thường xuyên và thực hiện sắp xếp bộ máy kết hợp với tinh giản biên chế. "Thực hiện tốt điều này mới có thể ổn định được nguồn thu ngân sách Nhà nước trong trung và dài hạn " TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

* Giải pháp đồng bộ

Liên quan đến việc thực hiện sắp xếp bộ máy kết hợp với tinh giản biên chế theo Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Tài chính đang triển khai việc sắp xếp các đầu mối Kho bạc Nhà nước, Chi cục thuế nhằm giảm đầu mối mà vẫn nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo đó, từ ngày 1/6/2018, Bộ quyết định giải thể 43 phòng giao dịch, tương đương với các Chi cục thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các Chi cục thuế, Hải quan, Cục dự trữ theo khu vực.

Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã cắt giảm 293 đầu mối; trong đó cấp tổ (đội) tại địa phương cắt giảm được 246 tổ (đội); cấp Chi cục và tương đương cắt giảm được 44 Chi cục (43 phòng giao dịch thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, 1 Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh), cấp phòng và tương đương thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ cắt giảm 3 đầu mối.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng ban hành Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục thuế khu vực thuộc Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đảm bảo đến cuối năm 2020, ngành thuế giảm tối thiểu 50% Chi cục thuế so với hiện nay là 711 Chi cục.

Ông Vi Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Thuế) cho biết, việc ghép các Chi cục thuế đã được nghiên cứu, xây dựng thành Đề án đảm bảo việc Chi cục thuế mới phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn cả về tổ chức bộ máy, kết hợp sắp xếp lại nguồn nhân lực để thực hiện tinh giản biên chế, giảm chi phí của cơ quan thuế, nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Theo ông Vi Thanh Sơn, trong quá trình xây dựng Đề án ghép các Chi cục thuế để thành lập Chi cục thuế khu vực có tính đến 3 mối quan hệ giao dịch: Cơ quan thuế -người nộp thuế (cá nhân và doanh nghiệp); Cơ quan thuế với các cơ quan hữu quan trên địa bàn; Nội bộ cơ quan thuế. Trong đó chú trọng mối quan hệ giữa cơ quan thuế với người nộp thuế theo tinh thần không làm tăng thủ tục hành chính về thuế của người nộp thuế; không làm tăng thời gian cũng như chi phí đi lại… của người nộp thuế trong giao dịch với cơ quan thuế.

Đồng thời, ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thuế, nộp thuế điện tử, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Khi công nghệ thông tin đã đáp ứng được việc điện tử hóa các thủ tục hành chính thuế, ngành thuế sẽ tính toán việc sắp xếp lại các trụ sở làm việc trên địa bàn theo hướng thu gọn nhằm tiết kiệm kinh phí, song vẫn đảm bảo hoạt động của cơ quan thuế diễn ra bình thường và phục vụ người nộp thuế ngày càng tốt hơn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ giảm khoảng 50% số Chi cục thuế trên tổng số 711 Chi cục hiện nay. Trong quá trình này, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương phối hợp, ủng hộ Bộ Tài chính để sắp xếp lại các cơ quan tài chính trên địa bàn đảm bảo đúng lộ trình, ổn định hoạt động, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo ngân sách của địa phương.

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và thực hiện đồng bộ.

Để đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm theo chỉ tiêu biên chế được giao là 3.491 biên chế (tương đương 4,7%) trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay. Đối với những công chức dôi dư do sắp xếp bộ máy, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành, nhưng còn hạn chế năng lực, Bộ Tài chính thực hiện rà soát để thực hiện tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đối với khoảng 600 trường hợp (đạt xấp xỉ 112% so với kế hoạch đề ra tính đến hết năm 2018).../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục