Ngành thương mại Tp.HCM đổi mới để hội nhập - Bài 4: Hoàn thiện bệ đỡ chính sách

15:47' - 01/05/2018
BNEWS Song song với hoàn thiện các cơ chế chính sách làm bệ đỡ thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, Tp. HCM đang đẩy mạnh triển khai nhiều hơn nữa những chương trình hợp tác với các tỉnh, thành....

Song song với hoàn thiện các cơ chế chính sách làm bệ đỡ thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, Tp. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh triển khai nhiều hơn nữa những chương trình hợp tác với các tỉnh, thành để giới thiệu vị trí mặt bằng cho đơn vị bán lẻ nhằm phát triển điểm bán.

Người tiêu dùng mua sắm tại Co.op Mart Quang Trung (Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Qua đó, khai thác mở rộng thị trường, kết nối hai chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ; đưa hàng hóa của doanh nghiệp các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối Tp. Hồ Chí Minh và đưa hàng hóa của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại.

Đầu tư kết nối logistics

Theo định hướng phát triển thị trường bán lẻ, nhất là hạ tầng thương mại, UBND Tp. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh rà soát các mặt bằng có vị trí, điều kiện phù hợp để giới thiệu đơn vị bán lẻ thành phố phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố.

Theo đó, nghiên cứu và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư hệ thống logistics để phục vụ cho cơ sở hạ tầng bán lẻ cho thành phố; đồng thời, sớm hoàn chỉnh và triển khai Đề án phát triển Logistics gắn với chương trình xây dựng, nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất hạ tầng thành phố.

Mặt khác, các sở ngành Tp. Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai "Kế hoạch Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, giai đoạn từ nay đến năm 2020" trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của dự án cụ thể.

Theo đó, ngoài các tiêu chí mang tính định hướng về địa điểm thành lập siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ quan chức năng và địa phương của thành phố đang phối hợp chặt chẽ trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu cơ bản phục vụ công tác kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) theo các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ chí Minh cho hay, thành phố sẽ sớm thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh chóng để đến năm 2025 - 2030 hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại các khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư xây mới để thay thế, đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát.

Tuy nhiên, để tránh việc mỗi tỉnh, thành chỉ hướng đến địa phương của mình trong Kế hoạch hành động phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, Tp. Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Nam, cần có chương trình hành động chung trong việc xây dựng các trung tâm phân phối tập trung của vùng.

Đây là nhận định của các chuyên gia về công tác đầu tư, quy hoạch và chính sách nâng cao hiệu quả kết nối thương mại tại khu vực phía Nam.

Bà Phạm Thị Thúy Vân - Phó Giám đốc Tiếp thị Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, việc xây dựng các trung tâm phân phối tập trung và phát triển các cơ sở hạ tầng thương mại đồng bộ giữa các tỉnh, thành khu vực phía Nam sẽ giúp phục vụ một thị trường rộng lớn hơn.

Hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đã bước vào giai đoạn thực thi, nên Việt Nam đang trở thành một mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, Đề án phát triển TTPP nên được tổ chức theo hình thức công - tư hợp tác (PPP), xác định rõ vai trò của Nhà nước là đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống kết nối, quy hoạch, cơ chế chính sách…

Hỗ trợ phát triển quy mô

Hiện nay, ngoại trừ một số đơn vị bán lẻ trong nước như Saigon Co.op, Satra, Vingroup... có quy mô hệ thống tương đối lớn thì đa số các đơn vị trong nước còn lại vẫn hoạt động nhỏ lẻ với quy mô từ một đến hai siêu thị.

Đặc điểm chung của các siêu thị trong nước là số lượng đơn vị nhiều, chênh lệch quy mô lớn, nguồn lực hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm quản lý điều hành những mô hình phân phối hiện đại quy mô lớn theo chuỗi, đa dạng loại hình, địa bàn rộng khắp.

Ngoài ra, do chưa có vai trò Hiệp hội bán lẻ nên các doanh nghiệp bán lẻ thành phố chưa tìm được tiếng nói chung, chưa quan tâm đúng mức đến việc thành lập các trung tâm phân phối hàng hóa và hình thành chuỗi cung ứng (logistics).

Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự yếu kém của các hệ thống bán lẻ trong nước so với hệ thống có yếu tố nước ngoài.

Trước thực tế này, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Thành phố đã ban hành Quyết định số 3907/QĐ-UBND ngày 01/8/2016 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP.

Theo đó, các sở ngành Tp. Hồ Chí Minh nói chung và Sở Công Thương thành phố nói riêng, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai nhiều giải pháp để hiện thực hóa các cơ chế chính sách, đảm bảo cho vay vốn đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên với mức lãi suất ngắn hạn là 6,5%/năm.

Các sở ngành Tp. Hồ Chí Minh nói chung và Sở Công Thương thành phố nói riêng, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Đơn cử, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức có địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Tính đến cuối năm 2017, tổng số tiền cho vay doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh theo Chương trình kết nối ngân hàng – Doanh nghiệp đã đạt 302.989 tỷ đồng cho 15.778 khách hàng vay vốn, tăng 7,7% so với năm 2016 (đạt 281.216 tỷ đồng).

Trong năm 2018, Sở Công Thương TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đi vào chiều sâu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo phương châm “Thiết thực – Hiệu quả”.

Ngoài ra, để tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà bán lẻ trên địa bàn, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai Quy hoạch Phát triển ngành Thương mại thành phố đến năm 2030, trong đó có việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các trung tâm hội chợ triển lãm, trung tâm logistics trên địa bàn.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa Cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống, gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa; tập trung phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường, gắn kết với hệ thống chính trị như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản,... phát triển nhanh và mạnh các điểm bán đạt chuẩn về chất và lượng.

Thời gian qua, ngành Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến trong một số lĩnh vực như khuyến mại, hội chợ triển lãm thương mại…

Việc đăng ký trực tuyến này, đã mang lại thuận lợi cho thương nhân giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục; góp phần thực hiện đúng chủ trương của Tp. Hồ Chí Minh về xây dựng thành phố thông minh và hiện đại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục