Ngành thương mại TP.HCM đổi mới để hội nhập - Bài 1: Điểm sáng trong kích cầu tiêu dùng

12:12' - 01/05/2018
BNEWS Theo khảo sát của các cơ quan chức năng Tp.Hồ Chí Minh, tại nhiều hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố có tỷ lệ ưu tiên đưa hàng Việt vào kinh doanh, bán buôn dao động từ 65% - 95%.

Cùng với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh theo cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, ngành thương mại Tp. Hồ Chí Minh đã và đang tích cực đổi mới hội nhập thị trường thương mại tự do.

Bên cạnh đó, sự đầu tư và phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp, mô hình bán lẻ hiện đại của doanh nghiệp ngành thương mại thành phố đã góp phần tạo nên sự đa đạng, động lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

Trong bối thị trường nội địa dường như đã dần trở thành thị thương mại tự do, không còn là “sân chơi” riêng của doanh nghiệp trong nước, nhằm giữ vững vị thế cạnh tranh và khai thác mọi cơ hội giữ chân khách hàng, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp đã nỗ lực gắn liền hoạt động sản xuất, kinh doanh với việc hưởng ứng thiết thực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong bối cảnh đó, các nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh không ngừng triển khai những chương trình cũng như mạnh dạn thực hiện chiến lược kích cầu tiêu dùng hàng nội, sản phẩm sản xuất trong nước thông qua hoạt động khuyến mãi, giảm giá và dành nhiều ưu đãi cho hàng Việt.

Kích cầu tiêu dùng hàng nội

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng Tp.Hồ Chí Minh, tại nhiều hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố có tỷ lệ ưu tiên đưa hàng Việt vào kinh doanh, bán buôn dao động từ 65% - 95%. Ngoài ra, thành phố đã có khoảng 1.000 doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam với chủng loại đa dạng, chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Tp. Hồ Chí Minh đã và đang đi vào chiều sâu, ngày càng tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, tiêu dùng hàng Việt trên địa bàn thành phố.

 Người dân chọn mua củ cải trắng tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Sau hơn 20 năm ra đời và phát triển, hệ thống siêu thị Co.opmart của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã phát triển không ngừng và trở thành hệ thống bán lẻ hiện đại thuần Việt.

Điểm nhấn rất đặc biệt của Co.opmart là thương hiệu bán lẻ không chạy theo lợi nhuận mà bỏ rơi hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, Co.opmart còn là hệ thống phân phối hiệu quả các nhãn hàng bình ổn giá và đặc biệt là bán hàng Việt đến khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Song song đó, Saigon Co.op cũng chuyển mình và dấn thân đổi mới để vươn lên hội nhập, giữ vững vị thế là nhà bán lẻ nội địa ưu tiên kích cầu tiêu dùng hàng Việt. Đặc biệt, cùng với việc chú trọng tạo nguồn hàng, việc phát triển mạng lưới điểm bán cũng được Saigon Co.op tập trung với việc phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và giá hợp lý; nhất là hàng Việt, hàng bình ổn giá đến tận tay người tiêu dùng.

Còn trước cơn lốc phát triển của nhiều thương hiệu bán lẻ nổi tiếng trong và ngoài nước, với bề dày kinh nghiệm thương trường, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (SATRA) cũng hoạch định chiến lược để một mặt vừa phát triển nhanh mạng lưới, vừa đảm bảo được hiệu quả kinh doanh trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường.

Theo đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi Satrafoods của SATRA đã lần lượt khai trương hầu hết đều được đặt ở các quận ven như các quận 12, 9, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… Đến nay, SATRA đã phát triển được 175 cửa hàng.

Bà Thái Thị Sen - Phó Phòng Kinh tế quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, quận Gò Vấp là địa bàn có số lượng dân số đông đứng thứ 2 trên toàn thành phố với 663.016 dân; trong đó tỷ lệ dân nhập cư chiếm khoảng 48,3%. Điều này đòi hỏi quận phải giải quyết các vấn đề về đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Chính vì vậy, sự phát triển và mở rộng các thương hiệu bán lẻ hiện đại như Co.opmart, Co.opFood, Satrafoods, Vinmart… là một trong những giải pháp giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Với cơ cấu hàng Việt hơn 90%, các thương hiệu bán lẻ này đã và đang là “cánh tay” nối dài sẽ tạo thêm thuận lợi trong việc quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng, thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh” - bà Thái Thị Sen nhận xét.

Theo ông Trần Tấn Ngời - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần gắn kết và thúc đẩy nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa như chủ động vượt khó, chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng uy tín thương hiệu. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục xây dựng thói quen, nét đẹp văn hóa tiêu dùng hàng Việt.

Bình ổn hàng hóa thiết yếu

Đánh giá về Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu tại Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, ông Phạm Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho rằng, qua từng năm Chương trình đã trở thành công cụ điều tiết cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường hiệu quả, giúp doanh nghiệp nội địa đưa hàng hóa vào các kênh phân phối cũng như đến tay người tiêu dùng.

Từ những giải pháp của Chương trình, không ít doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu, nâng cao nhận thức người dân; đồng thời tạo làn sóng đầu tư sản xuất kinh doanh hàng Việt, chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Mặt khác, Chương trình luôn được triển khai gắn liền với các hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hàng hóa trong chương trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, áp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố trong trường hợp có xảy ra biến động. Sản phẩm trong chương trình đã và đang từng bước được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư.

Ông Đỗ Đông Hướng - Trưởng ban Ban Vật giá, Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh cho hay, so với các năm trước, Chương trình năm 2018 không chỉ chú trọng tăng số lượng mà danh mục hàng hóa tham gia rất phong phú mẫu mã và đa dạng chủng loại.

Trong số đó có thể đến các mặt hàng lương thực, thực phẩm với 10 nhóm mặt hàng (tăng 1 mặt hàng so với năm 2017); các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học mới có 103 loại sản phẩm (tăng 22 sản phẩm); sữa có tổng lượng tham gia là hơn 1.940 tấn/năm (161,71 tấn/tháng) và 12,52 triệu lít sữa nước/năm (1,43 triệu lít/tháng); dược phẩm có 21 nhóm thuốc, 176 hoạt chất và 383 mặt hàng.

Khách hàng đến mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng-TTXVN

Nguồn vốn triển khai Chương trình được thực hiện dựa trên phương thức xã hội hóa, đồng thời doanh nghiệp chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng tham gia chương trình với hạn mức và lãi suất phù hợp.

Các ngân hàng thương mại tham gia đăng ký hơn 20.000 tỷ đồng, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những rào cản trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi như thủ tục hành chính, điều kiện vay, hệ thống giao dịch… để tạo điều kiện khơi thông dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh hàng bình ổn thị trường của thành phố.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Chương trình bình ổn thị trường Tp. Hồ Chí Minh 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 có 90 doanh nghiệp tham gia (tăng 2 doanh nghiệp so với năm 2017); trong đó có 78 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và 12 tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh bình ổn thị trường 4 nhóm hàng hóa, gồm: Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực – thực phẩm; Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học mới; Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa; Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm./.

>>> Bài 2: Sức bật từ động lực cạnh tranh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục