Nghị định 67 góp phần hiện đại hoá và nâng cao sản xuất thuỷ sản

17:22' - 18/08/2017
BNEWS Nghị định 67 góp phần từng bước hiện đại hóa đội tàu của tỉnh, hướng đến mục tiêu phát triển nghề khai thác hải sản gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Nghị định 67 góp phần hiện đại hoá và nâng cao sản xuất thuỷ sản. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Ngày 18/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67). Tham dự hội nghị có đại diện các địa phương, ngân hàng thương mại, các ngư dân được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới tàu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm chính sách theo Nghị định 67. Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn ngư dân thực hiện chính sách duy tu sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép, tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn thuyền viên vận hành tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới.

Bên cạnh đó, phối hợp với ngân hàng theo dõi, đôn đốc các chủ tàu cá đã được vay vốn theo Nghị định 67 thực hiện trả nợ gốc và lãi đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Ngoài ra, phối hợp với ngân hàng, các địa phương rà soát số lượng tàu cá đóng mới theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh nhưng chưa triển khai thực hiện tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục phó Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 67 trên địa bàn tỉnh, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành về hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh, chính sách phát triển thủy sản đã đạt được một số kết quả tốt, được người dân nhiệt tình hưởng ứng, ngày càng đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin lớn cho ngư dân, thúc đẩy đầu tư phát triển ngành nghề thủy sản, giải quyết một phần khó khăn, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân và người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, góp phần từng bước hiện đại hóa đội tàu của tỉnh, hướng đến mục tiêu phát triển nghề khai thác hải sản gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tính đến ngày 31/7/2017, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt cho 116 tàu đóng mới, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.143 tỷ đồng; 118 tàu nâng cấp, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 357 tỷ đồng và 3 tàu được vay vốn lưu động theo Nghị định 67.

Đến nay, số tàu đóng mới, nâng cấp được các chi nhánh ngân hàng thương mại ký hợp đồng cho vay là 64 tàu, mới đạt 54,31% (63 tàu đóng mới, 1 tàu nâng cấp), với tổng số tiền cam kết cho vay hơn 970 tỷ đồng, đã giải ngân cho vay hơn 893 tỷ đồng.

Trong số tàu đóng mới đã có 48 tàu đã đi vào hoạt động, các tàu đi vào hoạt động đều có hiệu quả, 23 tàu đã trả nợ ngân hàng với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Về chính sách bảo hiểm, trong năm 2015-2016, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã sử dụng ngân sách địa phương để chi trả kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho 2.170 tàu cá với, với tổng kinh phí là hơn 53 tỷ đồng.

Về chính sách ưu đãi thuế, từ năm 2014 đến hết năm 2016 tỉnh đã thực hiện miễn, giảm thuế tài nguyên, miễn thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân cho 1.322 trường hợp là hộ gia đình, cá nhân hành nghề đánh bắt hải sản và miễn thuế môn bài cho 5 doanh nghiệp nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh, với số tiền hơn 137 triệu đồng; miễn thuế thuê đất, thuê mặt nước sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy sản đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng, đánh bắt, trực tiêp khai thác hải sản cho 30 trường hợp, với số tiền hơn 296 triệu đồng…

Theo đánh giá, từ những chính sách của Nghị định 67 đã tạo động lực cho ngư dân chủ động tham gia thực hiện chính sách, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững, ngư dân mạnh dạn đầu tư trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tổ chức lại sản xuất trên biển.

Tại hội nghị, một số tồn tại, hạn chế của Nghị định 67 cũng đã được nêu lên như: Các mẫu thiết kế tàu cá đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và công bố để bà con lựa chọn theo mẫu đã phê duyệt, mà tự liên hệ với đơn vị thiết kế theo yêu cầu, nên không được hỗ trợ chi phí thiết kế vừa tốn kém và mất rất nhiều thời gian.

Việc này dẫn đến khâu thẩm định tổng dự toán đóng mới tàu cá của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn vì chưa có hướng dẫn. Bên cạnh đó, nhiều định mức còn mới nên việc giải ngân vốn vay chậm so với dự kiến.

Ngoài ra, chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 nhưng chậm triển khai, còn lúng túng trong lập hồ sơ vay vốn, không cung cấp đủ hồ sơ chứng từ để ngân hàng thương mại có cơ sở thẩm định phương án vay vốn, trả nợ.

Cùng với đó, trong quá trình lập hồ sơ vay vốn, thiết kế thi công đóng mới, nhiều chủ tàu đã thay đổi thiết kế, công suất, tổng dự toán nhiều lần nên phải điều chỉnh so với quyết định phê duyệt ban đầu, dẫn đến tiến độ đóng mới tàu cá còn chậm. Một số chính sách ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, do thực tế không phát sinh hoặc không đủ điều kiện được hỗ trợ./.

>>Nghị định 67: Chủ trương lớn tạo đột phá đồng bộ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục