Bình Thuận thực hiện hiệu quả Nghị định 67

16:02' - 25/07/2017
BNEWS Nhờ chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67, gia đình có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để đầu tư đóng tàu có công suất và kích thước lớn.
Sau gần 3 năm thực hiện chính sách đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67) về một số chính sát phát triển thủy sản tại tỉnh Bình Thuận đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ ngư dân Bình Thuận vươn khơi bám biển.

Bình Thuận thực hiện hiệu quả Nghị định 67. Ảnh minh họa: Nguyên Linh-TTXVN
Ngư dân Võ Hạnh, thị xã La Gi là ngư dân được hưởng lợi từ việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ. Từ hiệu quả của chiếc tàu đóng mới theo Nghị định 67 đầu tiên đem lại, gia đình ông mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm 1 chiếc khác với tổng giá trị 2 chiếc tàu khoảng 20 tỷ đồng; trong đó, vốn vay hơn 13 tỷ. Hiện mỗi tháng hai tàu đều ra khơi đánh bắt ở vùng biển xa bờ.

Ông Hạnh cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67, gia đình có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để đầu tư đóng tàu có công suất và kích thước lớn. Do đó, việc đánh bắt trên vùng biển xa bờ thuận lợi, sản lượng nhiều và thu lãi cao hơn. Ngoài trả tiền lãi hàng tháng, đến nay gia đình cũng hoàn hơn 600 triệu tiền gốc cho ngân hàng.

Việc thực hiện chính sách đóng mới, nâng cấp tàu cá góp phần chuyên nghiệp hoá đội tàu khai thác thuỷ sản theo đúng định hướng của tỉnh và Chính phủ. Từ khi thực hiện đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới theo Nghị định 67 đối với 162 chiếc tàu; trong đó, gồm 113 tàu vỏ gỗ, 28 tàu thép, 21 tàu composite. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phê duyệt nâng cấp cải hoán 33 tàu.

Tính đến ngày 15/7, toàn tỉnh giải ngân vốn vay hơn 650 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp tàu. Hiện 84 chiếc tàu cá được đóng mới và 5 chiếc nâng cấp đã hoàn thành, hạ thủy và đi vào sản xuất. Đến thời điểm này, cơ bản các tàu cá đóng mới, nâng cấp tàu cá xa bờ theo Nghị định 67 trên địa bàn đều bảo đảm chất lượng và hoạt động hiệu quả.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, ngư dân tại địa phương ưa chuộng tàu vỏ gỗ hơn tàu vỏ thép. Khoảng 70% tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 đều là tàu vỏ gỗ. Trong quá trình đóng tàu mới, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đăng kiểm được thực hiện nghiêm túc. Việc kiểm tra, giám sát tuân thủ theo quy trình hướng dẫn được ban hành, gồm 4 bước như giám sát khung tàu, ván vỏ, kết cấu con tàu, lắp đặt các hệ trụ, chân vịt và chạy thử.

Khi hoàn tất, lực lượng đăng kiểm kiểm tra toàn bộ công đoạn về máy móc, kết cấu. Khi hạ thủy, lực lượng đăng kiểm chạy thử để kiểm tra lại quán tính, tính năng, kỹ thuật và tốc độ con tàu, đến khi đảm bảo mới tiến hành cấp giấy chứng nhận an toàn và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, ngư dân là chủ tàu cá sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng giám sát với Chi cục thủy sản. Trong quá trình thi công, chủ tàu và đăng kiểm viên phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, giám sát quá trình đóng đúng kỹ thuật không để xảy ra lỗi.

Đứng cạnh con tàu công suất 800 CV đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng, anh Phạm Văn Trường, ngư dân huyện đảo Phú Quý phấn khởi, con tàu có giá trị hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ vay vốn đóng mới theo Nghị định 67. Trong quá trình đóng, anh Trường thường xuyên túc trực theo dõi và giám sát từng khâu đảm bảo tàu đúng thiết kế và thông số kỹ thuật ban đầu. Có tàu mới, ông Trường cùng bạn thuyền tin tưởng sản lượng khai thác sẽ tăng 2 - 3 lần so với tàu cũ, đi được ngư trường xa hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục