Nguy cơ "gậy ông đập lưng ông" trong chủ trương thương mại của chính quyền Trump

06:30' - 20/10/2017
BNEWS Các nhà kinh tế cảnh báo những biện pháp hung hăng của Tổng thống Donald Trump như đe dọa chấm dứt cam kết của Mỹ và ban hành rào cản thương mại mới sẽ khiến các đối tác chủ chốt xa lánh nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington, DC ngày 29/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Tạp chí Foreign Affairs mới đây đăng bài phân tích về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump của ông Jeffrey Kucik, Phó Giáo sư về khoa học chính trị thuộc đại học Arizona, Mỹ.
Theo tác giả bài viết, cái giá cho chiến lược thương mại của Tổng thống Trump đã không chỉ còn là lý thuyết. Hiện giờ, bất đồng gia tăng về các khoản trợ cấp của Chính phủ Canada và Anh đối với Bombardier - công ty hàng không vũ trụ trị giá hàng tỷ USD có hoạt động ở cả hai bờ Đại Tây Dương, có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước này.
Vào cuối tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ ban hành một phát hiện sơ bộ chống lại Bombardier. Việc điều tra cho thấy công ty này thu lợi bất bình đẳng từ những khoản viện trợ của Chính phủ Canada và Anh. Những khoản viện trợ này cho phép họ bán máy bay ở Mỹ với giá thấp.

Theo luật Mỹ, những hành vi như vậy gây ra "sự bán phá giá" mà đáng lẽ các sản phẩm của Bombardier phải chịu thuế gần 210%, trong khi hiện nay mức thuế trung bình của Mỹ là 2% đối với hàng hóa công nghiệp nhập khẩu.
Quyết định phản đối Bombardier đã khơi lên những phản ứng gay gắt. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đe dọa "không làm ăn gì với một công ty mà suốt ngày kiện tụng chúng tôi" - công ty đó chính là Boeing, đối tượng khởi xướng cuộc điều tra này. Cả Thủ tướng Trudeau và Thủ tướng Anh Theresa May đều đe dọa sẽ hủy bỏ các đơn đặt hàng máy bay quân sự mới với Boeing.
Nhà Trắng khẳng định việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của Mỹ là hoàn toàn chính đáng. Ông Trump cho rằng các tập đoàn Mỹ phải chịu sự bất lợi từ những chính sách phân biệt của các nước, trong đó có các khoản trợ cấp chính phủ như trường hợp của Bombardier. Trước đây, Chính phủ Mỹ thường tăng thuế khi họ nghĩ rằng trợ cấp chính phủ khiến các bên cạnh tranh có được lợi thế bất công bằng.
Trên thực tế, Mỹ là một trong các nước sử dụng thuế chống bán phá giá thường xuyên nhất. Nhưng ông Trump đang có những biện pháp còn đi xa hơn. Giải pháp của ông đối với bất cứ sự bảo hộ nào là trả đũa lại y hệt.
Gần đây nhất, ông nêu lên khả năng thực hiện loạt hàng rào thương mại nhằm vào mặt hàng nhôm lá của Trung Quốc và gỗ xẻ của Canada. Những biện pháp này đang hạn chế việc tiếp cận thị trường của các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của Mỹ.
Theo tác giả bài viết, kiểu trả đũa này cùng với các ngôn từ cay độc của Tổng thống Trump đang tạo ra những mối căng thẳng mới. Trước đây, ông Trump đã nói "không sợ" một cuộc chiến tranh thương mại. Nhưng chủ nghĩa dân tộc của ông là rất nguy hiểm và phản tác dụng, cụ thể là đối với một chính quyền luôn lo lắng về thâm hụt thương mại và sự thịnh vượng của tầng lớp công nhân.
Khả năng kinh doanh bên ngoài của các công ty Mỹ đang bị đe dọa. Hồi tháng Tám, Bắc Kinh trả đũa việc Mỹ áp thuế đối với nhôm lá Trung Quốc bằng việc đe dọa hạn chế nhập khẩu đậu nành của Mỹ.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đậu nành trị giá 16 tỷ USD và là nước nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp số một của Mỹ. Giờ thì cơn sốt cũng hạ nhiệt. Mỹ tuyên bố tạm hoãn quyết định cuối cùng về việc Trung Quốc có bán phá giá nhôm lá ở thị trường Mỹ hay không.
Rõ ràng trong trường hợp của Bombardier, Chính quyền Trump vẫn chưa rút được bài học. Nếu thuế tăng thì Canada sẽ hủy các hợp đồng mua máy bay F18 của Boeing trị giá 5 tỷ USD. Khả năng xảy ra kiểu trả đũa này chính là lý do các nhà kinh tế chỉ trích chiến dịch tranh cử của ông Trump là "gậy ông đập lưng ông".

Máy bay CSeries của hãng Bombardier tại Mirabel, Quebec ngày 16/9/2013. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế là con dao hai lưỡi. Mỹ không thể áp thuế với các mặt hàng nhập khẩu mà không tự gây hại cho những thị trường xuất khẩu chủ chốt của nước này.
Những quyết định này có tác động nghiêm trọng. Tuyên bố áp thuế với gỗ xẻ của Canada hồi tháng Tư đã dấy lên sự giận dữ trong Hiệp hội các chủ thầu xây dựng nhà của Mỹ. Họ cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng Mỹ, khiến giá nhà mới tăng thêm hơn 3.000 USD/căn.

Vụ Bombardier cũng gây ra nhiều rủi ro tương tự. Năm 2016, Bombardier chi 2,4 tỷ USD tại 47 bang của Mỹ. Nếu đóng cửa Bombardier khỏi thị trường thì các công ty dựa vào nền công nghiệp máy bay của Mỹ sẽ mất một trong những nhà tiêu thụ quan trọng nhất. Những chính sách này sẽ tác động trực tiếp đối với các công ty và người tiêu dùng Mỹ.

Tất nhiên, không chỉ có Trump cam kết bảo vệ thị trường Mỹ. Washington đã khởi xướng gần 200 vụ điều tra chống bán phá giá dưới thời Chính quyền Bush (con) và 200 vụ dưới thời Chính quyền Obama.

Nhưng có một lý do khiến những chính sách này không tạo nên quá nhiều thay đổi, đó là vì những người tiền nhiệm của ông Trump hiểu rõ tầm quan trọng của một biện pháp dựa trên luật pháp. Họ đều dựa vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump đang làm kiểu khác. Nhà Trắng cam kết rằng các nước khác đang công khai vi phạm luật thương mại, trong khi Mỹ bị kìm kẹp bởi luật thương mại. Tổng thống Trump hiện giờ đang tìm cách khôi phục lại tình trạng mất cân bằng.

Mục tiêu chính của ông khi tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là nới lỏng hạn chế của các quy định thương mại, cụ thể là từ bỏ Chương 19 về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại.
Cách tiếp cận của ông Trump đối với NAFTA phù hợp với những tuyên bố của ông tại WTO. Năm ngoái, Mỹ thể hiện sự nghi ngờ đối với quyền lực pháp lý của WTO, khẳng định Mỹ sẽ không tôn trọng bất cứ quyết định nào xâm phạm chủ quyền của Mỹ. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ công khai đe dọa phớt lờ quyền hạn của một tổ chức quốc tế.
Tất cả những điều này xảy ra vào thời điểm tồi tệ đối với Mỹ. Những quyết định không thể đoán trước của ông Trump đang khiến các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ tìm kiếm thị trường thay thế khác. Gần đây, Canada đã hoàn thành một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

Mexico đang đối thoại song phương với Trung Quốc. Và 11 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiếp tục đàm phán. Tất cả các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ đang hình thành những thỏa thuận mới và không có cái nào liên quan đến Mỹ.
Bài viết kết luận rằng những quốc gia khác đang mất kiên nhẫn, do không thể dựa vào Mỹ về vai trò lãnh đạo kinh tế, họ phải tìm kiếm những cam kết đáng tin cậy ở nơi khác. Điều đó chứng tỏ chủ nghĩa dân tộc của ông Trump đang phản tác dụng. Bombardier chỉ là dẫn chứng gần đây nhất của xu hướng đang lớn mạnh này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục