Nguy cơ gia tăng bất ổn giữa Nga và Mỹ

06:30' - 06/01/2018
BNEWS Mỹ và Nga gần đây nảy sinh những bất đồng xung quanh một số khu vực xung đột chính trên thế giới, điều này báo hiệu nguy cơ gia tăng bất ổn tại châu Âu, châu Á và Trung Đông vào đầu năm 2018.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (ảnh, phải) và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson (ảnh, trái) hội đàm tại Vienna (Áo) ngày 7/12/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên tờ The Wall Street Journal, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hôm 27/12/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã hối thúc Nga có quan điểm ôn hòa hơn đối với Ukraine trong khi ông Lavrov kêu gọi Mỹ từ bỏ cách tiếp cận đối đầu đối với Triều Tiên.

Tuy nhiên, những căng thẳng xung quanh cả vấn đề Ukraine lẫn Triều Tiên chỉ càng leo thang trong bối cảnh các đồng minh của Mỹ tranh cãi về việc nên mở rộng các cuộc tiếp xúc ngoại giao với Nga hay tiếp tục đóng băng các cuộc thảo luận ở cấp chuyên gia với nước này.

Tại miền Đông Ukraine, chiến sự đã gia tăng do Nga từ bỏ nỗ lực giám sát lệnh ngừng bắn. Cụ thể, Nga quyết định rút đại diện khỏi Trung tâm Kiểm soát và Phối hợp chung, khiến cho phương Tây quan ngại rằng an ninh tại khu vực có thể xấu đi.

Về phần mình, Mỹ gần đây đã nhất trí cung cấp tên lửa chống tăng cho Ukraine. Các quan chức Mỹ cho rằng động thái này nhất quán với chiến lược của Washington, đó là gia tăng áp lực buộc Moskva phải tìm cách giải quyết cuộc xung đột. Phía Nga thì cảnh báo quyết định này của Mỹ sẽ càng khiến chiến sự tại miền Đông Ukraine leo thang.

Tuy nhiên, trong thông báo về cuộc điện đàm ngày 27/12/2017, cả hai bộ ngoại giao đều không đề cập đến động thái này. Trong khi đó, về vấn đề Triều Tiên, ngày 16/12/2017 Mỹ đã đưa Triều Tiên vào một số danh sách áp đặt lệnh trừng phạt mới.

Mỹ cũng hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bổ sung vào danh sách đen 10 tàu vi phạm các lệnh trừng phạt lâu nay, mà trong số đó có một số tàu mà phía Mỹ cho là đã chở than của Triều Tiên tới một cảng của Nga trong năm nay.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai ông Tillerson và Lavrov đã nhất trí về sự cần thiết phải hình thành giải pháp ngoại giao dẫn đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong thông báo đăng trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao Nga đưa tin ông Lavrov phàn nàn rằng "những tuyên bố hiếu chiến của Washington về Bình Nhưỡng" và "những động tác chuẩn bị chiến tranh" đang làm leo thang căng thẳng tại khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi tăng cường quan hệ với Moskva và đã có một số cuộc điện đàm và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng các quan chức quân sự và ngoại giao Mỹ tiếp tục xung khắc với những người đồng cấp Nga, do đó khó có thể tìm được điểm tương đồng. Chiến lược an ninh quốc gia mới của ông Trump cũng phủ bóng đen lên quan hệ với Moskva.

Những căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Nga được coi là điển hình của cuộc tranh cãi quốc tế khó có hồi kết xung quanh việc có nên tăng cường đối thoại giữa phương Đông và phương Tây hay không. Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu triển khai binh sĩ để củng cố các đường biên giới của châu Âu với Nga.

NATO đã đình chỉ hợp tác với Moskva và trên thực tế, mặc dù không chính thức, đã ngừng các cuộc gặp ngoại giao trong khoảng 1 năm. Tháng 5/2016, liên minh này đã nhượng bộ trước yêu cầu của một số thành viên về việc nối lại ngoại giao cấp cao và tái khởi động các cuộc gặp cấp bộ trưởng Hội đồng NATO-Nga.

Tuy nhiên, cuộc tranh cãi trong nội bộ NATO xung quanh cách thức đàm phán với Nga vẫn có tác động đáng kể tới vấn đề lớn hơn, đó là làm thế nào để bảo vệ liên minh này. Các cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga trong 20 tháng qua đã giải quyết những chủ đề quan trọng như các cuộc tập trận quân sự và những vụ chạm trán không quân trên bầu trời Biển.

Dù vậy, các quan chức cho hay những cuộc gặp đó bị chi phối bởi những thuyết giáo của một phía về các chủ đề như Ukraine và Afghanistan. Một quan chức phương Tây nói các cuộc hội đàm với Nga tại NATO "giống như là nói chuyện với đài phát thanh".

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại NATO, ông Alexander Grushko, nói ông sẽ không phàn nàn về chất lượng của các cuộc thảo luận. Nhưng ông cho hay "ở một số lĩnh vực, chỉ có thể đạt được những kết quả cụ thể thông qua việc nối lại cuộc đối thoại thông thường".

Nga đã đề xuất tái khởi động các nhóm làm việc cấp chuyên gia quân sự để giải quyết các vấn đề kỹ thuật, trong đó có an toàn hàng không và tập trận phòng thủ.

Theo ông Grushko, các quan chức NATO nói rằng họ muốn có một cuộc thảo luận rộng hơn về hoạt động quân sự để ngăn chặn những vụ tai nạn tiềm tàng. Các cuộc hội đàm cấp chuyên gia, theo ông, sẽ thúc đẩy được điều này, song liên minh lại chưa sẵn sàng.

Các quan chức NATO cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán cấp chuyên gia nào cũng sẽ giống như việc quay trở lại mức độ can dự thời kỳ trước năm 2014. Việc nối lại cấp đối thoại như vậy là không thỏa đáng chừng nào mà cuộc chiến tranh tại Ukraine - và sự ủng hộ của Nga dành cho các lực lượng ly khai ở miền Đông nước này - vẫn tiếp tục.

Nữ phát ngôn NATO, bà Oana Lungescu, cho biết liên minh này chưa thấy Nga có sự thay đổi trong lập trường  đối với các nước láng giềng, nhất là Ukraine, do đó họ khó có thể có sự can dự mạnh mẽ hơn. Những người hoài nghi cho rằng việc nối lại các cuộc hội đàm như vậy sẽ là ban thưởng cho Nga và có nguy cơ hợp pháp hóa việc nước này sáp nhập Crimea.

Đại sứ Đức tại NATO, ông Hans-Dieter Lucas, gần đây viết rằng liên minh này "vẫn để ngỏ đối thoại" và các cuộc gặp gần đây đã cho phép hai bên "công khai trao đổi quan điểm về những vấn đề khó khăn và gây tranh cãi".

Suốt mấy tháng qua, Đức là nước lớn tiếng ủng hộ nhất việc tăng cường tiếp xúc ngoại giao với Moskva. Các đồng minh phía Đông thì thận trọng hơn nhiều, không tin là các nhà ngoại giao Nga có quyền lực để tạo ra sự tiến triển hay Moskva thực sự muốn làm dịu căng thẳng Moscow.

Theo các sử gia, đối thoại đôi khi giúp ích cho việc giảm bớt sự hiểu lầm và xây dựng lòng tin. Margaret MacMillan, sử gia nghiên cứu về Chiến tranh Thế giới I, nói: "Trong một số trường hợp cụ thể, các nhà ngoại giao bị coi là lãng phí thời gian, và điều đó là nguy hiểm".

Bà nhắc lại rằng trước Chiến tranh Thế giới, các biện pháp quân sự được áp dụng để duy trì hòa bình, song rốt cuộc đã góp phần châm ngòi xung đột. Bà nói: "Luôn luôn là vấn đề khi các chuyên gia không tin tưởng nhau. Điều mà chúng ta cho là phòng thủ dưới góc nhìn của mình lại là mối đe dọa dưới góc nhìn của người khác".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục