Trung Quốc và Nga trong chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Trump

07:03' - 27/12/2017
BNEWS Tờ The New York Times cho rằng Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đã vẽ lên một thế giới mà trong đó nước này đang phải đương đầu với hai cường quốc "theo chủ nghĩa xét lại", đó là Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiều 18/12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình bày chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức.

Các quan chức chính quyền cho biết những nội dung chính của văn kiện này được rút ra từ những bài phát biểu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống, trong các chuyến thăm châu Á, châu Âu và tại Liên hợp quốc (LHQ). 

Tờ The New York Times cho rằng văn kiện này vẽ lên một thế giới mà trong đó Mỹ đang phải đương đầu với hai cường quốc "theo chủ nghĩa xét lại", đó là Nga và Trung Quốc, vốn đang tìm cách làm thay đổi nguyên trạng của thế giới và thường xuyên đe dọa những lợi ích của Mỹ.

Tương tự như trong chiến dịch tranh cử, trong văn kiện trên, ông Trump nêu chi tiết kế hoạch đẩy lùi những tham vọng kinh tế của Trung Quốc trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ là văn kiện này đưa ra những lời chỉ trích nhằm vào Nga gay gắt hơn nhiều so với quan điểm trước đây của ông Trump.

Chính ông Trump từng từ chối chỉ trích việc Tổng thống Nga Vladimir Putin thôn tính Crimea, gây bất ổn định Ukraine và vi phạm hiệp định hạt nhân chủ chốt với Mỹ.

Theo văn kiện trên, Trung Quốc và Nga "quyết tâm khiến cho nền kinh tế ngày càng ít tự do và công bằng để phát triển quân đội, đồng thời kiểm soát những thông tin và dữ liệu để đàn áp các xã hội và mở rộng ảnh hưởng.

Những cạnh tranh này buộc Mỹ phải xem xét lại những chính sách tồn tại suốt 2 thập niên qua - những chính sách dựa trên khái nhiệm rằng việc can dự với đối thủ và kết nạp họ vào những thể chế quốc tế và thương mại toàn cầu sẽ biến đối thủ thành những đối tác tử tế và đáng tin cậy. Trong hầu hết mọi trường hợp, giả thiết này hóa ra là sai lầm".

Trong khi hai chiến lược an ninh quốc gia của người tiền nhiệm Barack Obama nhấn mạnh đến việc hợp tác với các đồng minh và đối tác kinh tế, thì chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump lại tìm cách giữ cân bằng giữa một bên là khẩu hiệu tranh cử "Nước Mỹ trên hết" và một bên là lời khẳng định rằng ông không từ chối hợp tác với các đối tác của Mỹ - chừng nào mà sự hợp tác đó có lợi cho Mỹ.

Ngoài ra, chiến lược của ông Trump còn đưa ra một vài dấu hiệu bóng gió về sự trở lại quan điểm Chiến tranh Lạnh.

Trong khi những chiến lược của Obama không nhấn mạnh đến vũ khí hạt nhân như là chìa khóa cho khả năng phòng thủ của Mỹ, thì ông Trump lại gọi những vũ khí này là "nền tảng cho chiến lược của chúng ta nhằm gìn giữ hòa bình và sự ổn định bằng cách chặn trước những hành vi hiếu chiến nhằm vào Mỹ, các đồng minh và đối tác của chúng ta".

Những chiến lược an ninh quốc gia của các chính quyền Mỹ trước đây đôi khi là những dự báo chuẩn xác về hành động trong tương lai.

Đơn cử như chiến lược của người tiền nhiệm George W. Bush năm 2002 đã khuấy động lại cuộc tranh cãi trên toàn quốc về việc khi nào có thể tiến hành hành động quân sự phủ đầu. Văn kiện này đã góp phần tạo ra lý do để tiến hành cuộc xâm lược Iraq 6 tháng sau đó.

Đáng chú ý là chiến lược mới của ông Trump không sử dụng từ "phủ đầu", kể cả trong phần nói về Triều Tiên, mặc dù trước đó Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump - Trung tướng H.R. McMaster nói rằng nếu hoạt động ngoại giao và trừng phạt thất bại, có thể sẽ cần đến "tấn công phủ đầu" để ngăn chặn Triều Tiên tấn công nước Mỹ.

Một chi tiết đáng chú ý khác là văn kiện trên nhắc đến Trung Quốc như một "đối thủ chiến lược". Đây là một sự thay đổi căn bản so với ngôn từ mà Tổng thống Obama từng dùng đối với Bắc Kinh, khi đó ông Obama coi Trung Quốc là đối tác trong việc đối phó với những mối đe dọa toàn cầu, từ chương trình hạt nhân của Iran tới vấn đề biến đổi khí hậu.

Ngôn từ này của ông Trump cho thấy Mỹ sẽ gây áp lực mạnh lên các tập quán kinh tế chú trọng đến khu vực quốc doanh của Trung Quốc cũng như những tuyên bố chủ quyền bành trường của nước này trên Biển Đông.

Ông Trump đã tìm cách hợp tác với Trung Quốc để kiềm chế các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, thậm chí gạt sang bên chương trình "Nước Mỹ trên hết" của mình nhằm nỗ lực thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây áp lực kinh tế hơn nữa lên chế độ Kim jong-un.

Tuy nhiên, chiến lược an ninh của ông cho thấy ông đã quay trở lại với những lời hứa tranh cử khi nói thẳng rằng "Mỹ sẽ không còn 'nhắm mắt làm ngơ' trước những hành vi vi phạm, lừa đảo hay xâm lược kinh tế".

Một đoạn khác trong văn kiện trên nhắc tới việc bảo tồn "nền tảng đổi mới của an ninh quốc gia" trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang xem xét những biện pháp ngăn cản Trung Quốc đầu tư vào những công nghệ nhiều hứa hẹn của Mỹ.

Trong một sự thay đổi khác so với người tiền nhiệm, chiến lược của ông Trump không công nhận tình trạng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Thay vào đó, văn kiện này chỉ nhắc đến khí hậu trong phần nói về "sự thống trị của năng lượng" và nói rằng trong khi "những chính sách khí hậu sẽ tiếp tục định hình hệ thống năng lượng toàn cầu", chính quyền Mỹ sẽ "tuyệt đối không chấp nhận những chương trình nghị sự năng lượng kìm hãm sự phát triển kinh tế".

Điều này khiến Nhà Trắng mâu thẫn với Lầu Năm Góc khi cơ quan này tiếp tục nhấn mạnh những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia đến từ sự biến đổi khí hậu, trong đó có làn sóng người tị nạn do trốn chạy hạn hán, những cơn bão và tình trạng nước biển dâng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục