Nguyên nhân tôm nuôi chết hàng loạt tại Thanh Hóa

17:35' - 02/07/2018
BNEWS Khoảng 10 ngày trở lại đây, tại xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) xảy ra tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt. Thực tế này khiến người nuôi không kịp trở tay.
Những xác tôm chưa kịp phân hủy được người dân vớt lên phơi khô để nghiền thành bột cho gia súc gia cầm ăn. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Chiều 2/7, ông Đặng Văn Hiệp, Chi Cục Phó Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết: "Nguyên nhân tôm nuôi tại xã Hoằng Châu chết là yếu tố môi trường, thời tiết nắng nón và do mắc bệnh đốm trắng. Đây là bệnh nguy hiểm, dễ lan và gây thiệt hại lớn đối với ngành nuôi tôm."
Chân lội bì bõm dưới bùn, anh Hoàng Ngọc Anh khu vực cồn Trường, xã Hoàng Châu, huyện Hoằng Hóa cùng người nhà đang khẩn trương lội ruộng để vớt xác tôm chưa kịp phân huỷ; sau đó đem lên bờ phơi khô rồi nghiền thành bột để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Cảm nhận đầu tiên của anh là mùi hôi tanh nồng nặc và trên những đồng tôm nước gần như đã rút cạn. Những xác tôm chuẩn bị đến ngày thu hoạch chết nổi trắng, lẫn vào bùn đất.
Anh Hoàng Ngọc Anh (xã Hoằng Châu) cho biết: "Nhà tôi có 3,3 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến. Thông thường, đây là thời điểm gia đình thu hoạch.Với giá hiện tại, mỗi hecta, gia đình có thể thu về từ 80 - 90 triệu đồng. Năm nào ở địa phương cũng có hiện tượng tôm chết nhưng chỉ chết rải rác. Nhưng năm nay, tôm chết nhanh, gia đình không kịp trở tay. Hiện toàn bộ 3,3 ha tôm của gia đình hoàn toàn mất trắng, không có cách cứu vãn. Không chỉ tôm mà số lượng cua nuôi xen canh với tôm cũng bị chết vì lây bệnh. Những hộ nuôi bên cạnh cũng trong tình trạng tương tự."
Gia đình anh Lê Ngọc Hưng (thôn 13, xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hoá) cho biết: "Tôm chết rải rác khoảng nửa tháng nay nhưng 3 - 4 ngày nay tôm chết đồng loạt khiến toàn bộ 8 ha tôm nuôi của gia đình hoàn toàn mất trắng".

Tôm chết chủ yếu là tôm sắp đến kỳ thu hoạch, nên thiệt hại của người nuôi là rất lớn. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Ông Lê Ngọc Đức, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi trồng thuỷ sản xã Hoằng Châu cho biết, số lượng tôm chết đã diễn ra trên 75% tổng diện tích nuôi khu vực ngoại đê, có những gia đình tôm chết trên 100% diện tích nuôi. Cái khó nhất của người nuôi tôm xã Hoằng Châu là nhiều hộ gia đình phải vay ngân hàng, vay lãi ngày để đầu tư nuôi tôm.
"Nay tôm chết trắng, người nuôi mong các cấp, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất. Hiệp hội Nuôi trồng thuỷ sản xã Hoằng Châu khuyến cáo hội viên nuôi trồng thủy sản tháo cạn đồng nuôi, thau rửa đồng nuôi, rắc rải vôi bột, chờ triều cường, lấy nước sạch vào đồng để nuôi thả vụ mới", ông Đức nói.
Xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hoá có 157 hộ nuôi trồng tôm sú với tổng diện tích ao nuôi tôm là 497ha, trong đó có 435,5 ha khu vực ngoại đê. Theo báo cáo của UBND xã Hoằng Châu, đến ngày 2/7, thống kê sơ bộ tổng diện tích tôm chết là 90 ha (tỷ lệ chết là 70%); trong đó có 28 hộ nuôi bị mất trắng, các hộ còn lại có diện tích tôm chết khoảng 50-70%....
Hiệp hội Nuôi trồng thuỷ sản xã Hoằng Châu cho biết, lúc đầu tôm chỉ chết rải rác, số lượng ít ở một số đầm nuôi nhưng đến trưa 2/7, số lượng tôm chết đã diễn ra trên 100% diện tích nuôi khu vực ngoại đê. Hiện các đồng nuôi, tôm không còn chết nữa do đã chết hết. Nhiều chủ đồng nuôi tôm vì thế đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất khi đã đầu tư, vay mượn số tiền lớn để cải tạo ao nuôi, mua con giống…
Ngay khi hiện tượng tôm chết xảy ra, Chi cục Thú y Thanh Hóa lấy mẫu nước, mẫu tôm xét nghiệm và gửi Chi cục Thú Y vùng III tìm nguyên nhân, đồng thời cử cán bộ phối hợp với UBND huyện Hoằng Hoá, xã Hoằng Châu theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh.
Ông Đặng Văn Hiệp, Chi Cục Phó Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, Chi cục Thú y Thanh Hóa khẩn trương phối hợp với UBND huyện Hoằng Hóa, UBND xã Hoằng Châu tập trung lực lượng nhanh chóng dập tắt dịch bệnh đốm trắng, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực nuôi tôm bị bệnh.
Đồng thời, khuyến cáo người nuôi khử trùng ao nuôi sau 5 ngày mới xả ra môi trường, đóng chặt cống cấp và thoát nước, tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn.
"Đặc biệt, người nuôi không thả mới hoặc thả bổ sung động vật thủy sản mẫn cảm với bệnh đốm trắng khi chưa được phép của cơ quan chức năng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản", ông Hiệp nhấn mạnh./.

>>> Công bố nguyên nhân tôm chết bất thường tại Long An

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục