Nhà ở xã hội - Bài cuối: Để chủ trương tìm đúng đối tượng

12:54' - 13/03/2018
BNEWS Phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương đúng đắn và cần thiết mang lại kỳ vọng hiện thực hóa ngôi nhà mơ ước cho rất nhiều người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, quá trình triển khai tại Hà Nội đã cho thấy những sự khác biệt bởi cùng "một đề bài" nhưng lại có "vài đáp số" khác nhau.

Căn nguyên của sự khác biệt ấy bắt nguồn từ cách nghĩ, cách làm, cách thức thể hiện dưới sự chi phối chặt chẽ của quy luật kinh tế thị trường và sự lựa chọn tối ưu của người dân. Do vậy, đã đến lúc nhà ở xã hội cần có một hệ thống cơ chế, giải pháp đồng bộ mới có thể thực hiện thành công.

Khó về quỹ đất và nguồn vốn

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố đã xác định quỹ đất có sẵn để phát triển nhà ở xã hội nhằm thu hút xã hội hóa đầu tư, nhưng quỹ đất sạch chưa hình thành đủ.

Việc quy hoạch xác định vị trí quỹ đất không gắn với nhu cầu thực tế và không đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào các dự án đã và sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm nhà ở xã hội trên thị trường.

Hiện, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội của Hà Nội chủ yếu được thực hiện nhỏ, lẻ tại các quỹ đất 20% thuộc các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới, do vậy không tạo ra các khu nhà ở xã hội tập trung, gây áp lực về quy mô dân số và thiếu tính chủ động trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, việc đầu tư hệ thống hạ tầng chưa đi trước một bước và cần nguồn vốn lớn, nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội nằm tại các vị trí, khu vực mà hệ thống hạ tầng của thành phố chưa hoàn chỉnh.

Còn đối với các dự án nhà ở cho sinh viên hay nhà ở xã hội cho thuê, do vốn ngân sách Trung ương còn thiếu, thành phố chưa bố trí được vốn, trong khi các dự án này có khả năng thu hồi vốn đầu tư chậm nên chưa hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia theo hình thức xã hội hóa.

Còn quá ít cơ hội để người nghèo có nhà ở - ít nhất là trong vòng vài ba năm tới. Ảnh minh họa: TTXVN

Để đảm bảo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị đấu giá một phần quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới, một phần đề nghị chủ đầu tư nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% để bổ sung vào ngân sách thành phố dành để phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, thành phố cần bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội tập trung. Mặt khác, nghiên cứu, bố trí quỹ đất liền kề dự án hoặc dành riêng tỷ lệ quỹ đất ở hợp lý trong các khu đất dự kiến xây nhà ở xã hội tập trung để giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây nhà ở thương mại.

Việc làm này nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho các dự án nhà ở xã hội tập trung, giảm gánh nặng cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu của người dân sinh sống tại dự án.

Thành phố cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các khu nhà ở xã hội tập trung được bán, cho thuê mua (theo quy định chỉ được cho thuê - Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014); trường hợp chỉ áp dụng hình thức nhà ở xã hội cho thuê, cần bổ sung chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp.

Giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nằm ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội tập trung thuộc trách nhiệm đầu tư của thành phố.

Nguồn vốn được lấy từ các nguồn: tiền thu được do chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại (có quy mô sử dụng đất dưới l0 ha) nộp ngân sách theo quy định; tiền thu được do đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất thuộc quỹ đất 20% (đất đã có hạ tầng) trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới mà chủ đầu tư phải bàn giao cho thành phố; tiền thu được từ tiền sử dụng đất đối với phần diện tích nhà ở thương mại trong các dự án xây dựng nhà ở xã hội tập trung; tiền thu được từ các nguồn khác của thành phố...

Chung tay hiện thực hóa giấc mơ

Gần 20 năm trước, Hà Nội đã ồ ạt cho phát triển các dự án xây dựng kinh doanh nhà chung cư bằng chính sách giao đất không thu tiền sử dụng đất với tư duy tạo ưu đãi về đất đai cho người lao động có nhà ở.

Cũng trong quãng thời gian này, Hà Nội có gần 10 năm để triển khai chương trình nhà ở xã hội. Nhưng nhìn lại cũng dễ nhận thấy, còn quá ít cơ hội để người nghèo có nhà ở - ít nhất là trong vòng vài ba năm tới.

Thực tế, hầu hết các quỹ nhà hiện thời được gọi là nhà ở xã hội đều được chuyển từ các dự án nhà ở thương mại sang. Như vậy, đã đến lúc cần đánh giá lại hiệu quả của khoản ưu đãi 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã quyết định chi, được dùng để “mua” lại nhà ở của các doanh nghiệp.

Bây giờ “ngó” xem quỹ đất sẽ thấy thật không dễ để các doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở cho người lao động có được điểm “dừng chân”. Nhìn ngay trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội, trong các mảng màu xanh đỏ của các đồ án qui hoạch, chỉ thấy nhấp nhô những khu đô thị hoành tráng, những trang trại bát ngát màu xanh. Còn các chấm vàng xây dựng nhà ở cho người lao động - mỏi mắt tìm cũng khó thấy.

Dự án nhà ở xã hội 622 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Handico5 xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 10/2017 với hơn 170 căn hộ. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Cũng từ những tồn tại trong công tác phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội, tại Văn bản số 457/KL-TTr ngày 1/9/2017 của Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận Thanh tra về việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Thanh tra Bộ này đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chấn chỉnh, khắc phục và xử lý.

Đó là việc Hà Nội công khai thông tin về diện tích đất dành để phát triển nhà ở xã hội chưa đúng quy định. Hà Nội chưa bố trí quỹ đất và quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê.

Đặc biệt, việc thống kê đánh giá hiện trạng, nhu cầu và mức độ đáp ứng nhu cầu trên thực tế đối với nhà ở công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp, tái định cư, thương mại chưa chính xác và đầy đủ…

Hơn 10 năm trước, trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân lúc bấy giờ từng nói rằng, quy hoạch phụ thuộc vào ý trí người lãnh đạo. Điều này đúng, nhưng quy hoạch sẽ mang ý nghĩa xã hội và có giá trị hơn nếu bắt nguồn từ nguyện vọng và lợi ích của số đông. Mà số đông hiện thời vẫn thuộc về những người nghèo đô thị - những người đang có nhu cầu một nơi an cư.

Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý cần tính toán kỹ lưỡng về cơ chế để sao cho toàn bộ ưu đãi từ Nhà nước đến được tay người lao động ở đô thị có nhu cầu về nhà ở, dù số này mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

Còn nếu chậm trễ, sẽ còn tình trạng những khu nhà xây xong để hoang hóa, rồi sẽ tái diễn tình trạng hàng ngàn tỷ đồng bị trì hoãn cấp vốn khi mà người lao động vẫn cứ chờ, cứ đợi./.

>>> Hơn 1.400 căn hộ nhà ở xã hội EHomeS Nam Sài Gòn gia nhập thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục