Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam quản lý sâu bệnh hại trên cây sắn

13:13' - 04/05/2016
BNEWS Ngày 4/5, tại Hà Nội, Văn phòng JICA Việt Nam đã khởi động dự án “Phát triển và phổ biến hệ thống sản xuất sắn bền vững thông qua quản lý sâu bệnh hại”.

Dự án bao gồm 4 nội dung: phát triển các tác nhân gây bệnh hại sắn và phát triển hệ thống cảnh báo bệnh trong khu vực: sinh thái quần thể và quản lý côn trùng hại sắn; thiết lập hệ thống giống sắn để cung cấp hom sắn sạch bệnh cho nông dân; chuyển giao công nghệ và khuyến nông.

Theo ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Giám đốc dự án, dự án sẽ tập trung vào các tác nhân gây bệnh, truyền bệnh, phát hiện các phương pháp chuẩn đoán bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật, phát triển hệ thống giống sắn sạch bệnh và phổ biến kiến thức cho người dân.

Trong khuôn khổ dự án sẽ hình thành phòng thí nghiệm chọn giống sắn phân tử quốc tế, hệ thống giống sạch bệnh không chỉ phục vụ riêng cho Việt Nam mà cho cả châu Á.

Tuy nhiên, mặt trái của thâm canh sắn là các loại bệnh phát sinh. Nếu không ngăn chặn được bệnh, năng suất sắn có thể mất đi 60-80%.

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam quản lý sâu bệnh hại trên cây sắn. Ảnh minh họa: Thanh Tân-TTXVN

Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, cũng cho rằng bệnh trên cây sắn là vấn đề rất quan trọng; trong đó bệnh chổi rồng khá phổ biến.

Nếu như Việt Nam không khống chế tốt bệnh này sẽ làm giảm năng suất sắn, thậm chí có thể gây mất trắng.

Năng suất sắn trung bình hiện nay của Việt Nam mới chỉ đạt 18,7 tấn/ha, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan, Ấn Độ…

Dự án sẽ góp phần cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng khi quản lý tốt vấn đề dịch bệnh. Nông dân không chỉ được hưởng thành quả của dự án, mà sẽ được hưởng kỹ năng canh tác, các biện pháp khoa học kỹ thuật, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu…

Giáo sư Keiji Takasu, đại học Kyushu - Nhật Bản, cố vấn trưởng dự án, cho biết Nhật Bản sẽ cung cấp các công nghệ kỹ thuật cao cho phía Việt Nam và cùng Việt Nam phát triển các công nghệ này, bao gồm công nghệ quản lý sâu bệnh hại, các công nghệ sản xuất sắn sạch bệnh…

Trong dự án sẽ phát triển các công nghệ để kiểm soát sâu bệnh hại thông qua sử dụng các loại thiên địch, cùng với đó sử dụng các biện pháp canh tác giảm thiểu các hóa chất, phát triển sắn bền vững của người nông dân.

Tham gia dự án, ngoài các nhà khoa học trong nước và Nhật Bản, còn có các nhà khoa học đến từ Campuchia, Thái Lan. Dự án sẽ được triển khai từ năm 2016 đến năm 2020 với nguồn vốn ODA trên 635 triệu yên Nhật (tương đương 125 tỷ đồng Việt Nam).

Nguồn vốn được cấp từ hai cơ quan của Nhật Bản là Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) và JICA./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục