Nhật ký Trường Sa: Tết sớm, ấm tình đồng đội nơi đầu sóng ngọn gió

07:02' - 22/01/2018
BNEWS Lần đầu tiên trong hải trình dài ngày này, chúng tôi được qua đêm trên đảo và được chứng kiến một cái Tết thắm tình đồng đội của cán bộ chiến sỹ đảo Trường Sa Đông.
Trường Sa Đông. Ảnh: Đức Hùng/TTXVN

Viết từ đảo Trường Sa Đông,

Sáng ngày 15/1/2018, tại đảo Đá Tây, sóng gió có vẻ dịu đi đôi chút. Theo kế hoạch, đúng 9 giờ, tàu nhổ neo đi sang đảo Trường Sa Đông. Dự kiến khoảng 13 giờ, đoàn công tác có thể vào đảo Trường Sa Đông bằng xuồng. Tuy nhiên, thời tiết nơi đây đỏng đảnh như một cô gái mới lớn.

Đúng 13 giờ, sóng gió lại nổi lên ầm ào. Đồng chí Đại tá Trần Minh Thuần, trưởng đoàn công tác, lệnh rời thời gian hạ xuồng vào đảo sang 14 giờ 5 phút. Đến giờ đã định, xuồng được hạ xuống để chạy thử nhưng sóng lớn đẩy ra, xuồng không thể vượt qua được mép nước xanh (vùng nước xung quanh đảo Trường Sa Đông, vốn là một bãi san hô ngập nước). Vì vậy, kế hoạch vào đảo phải tạm gác lại tới ngày hôm sau.

Sáng 16/1, thời tiết có dấu hiệu cải thiện hơn, tuy nhiên, xung quanh đảo vẫn có gió cấp 6, cấp 7, biển động, những con sóng bạc đầu như những "hàng rào nước" ngăn chúng tôi vào đảo. Mặc dù vậy, do quỹ thời gian không còn nhiều và căn cứ vào mực nước lên xuống của thuỷ triều, Trưởng đoàn công tác Trần Minh Thuần quyết định, 14h chiều này sẽ hạ xuồng để đưa đoàn vào đảo.

Đúng 14h, mọi công tác chuẩn bị cho đoàn vào đảo đã được hoàn tất. Nhưng lại một lần nữa giông lốc nổi lên như thách thức đoàn chúng tôi. Để đảm bảo kế hoạch, Đại tá Trần Minh Thuần vẫn quyết tâm triển khai đưa quà tết và đoàn công tác vào đảo.

Biển động kết hợp mưa lớn, những đợt sóng cả cao từ 3 tới 4m liên tiếp đổ vào các rạn san hô bao quanh đảo, rồi lại chuyển thành những cơn sóng dữ đẩy xuồng chúng tôi ra khỏi đảo. Tuy vậy, dưới sự điều khiển tài tình của các thuỷ thủ, sau 20 phút vật lộn với sóng gió, cuối cùng xuồng trở đoàn công tác cũng đã tới được Trường Sa Đông.

Dù mệt mỏi vì say sóng và lạnh do quần áo sũng nước vì sóng biển lẫn mưa giông, nhưng chúng tôi vẫn thấy ấm lòng khi được gặp các cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Ai cũng tay bắt mặt mừng như người thân lâu ngày không gặp.

Những người lính đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Đức Hùng/TTXVN

Và ấm áp hơn nữa khi lần đầu tiên trong hải trình dài ngày này, chúng tôi được qua đêm trên đảo và được chứng kiến một cái tết thắm tình đồng đội của cán bộ chiến sỹ đảo Trường Sa Đông.

Không khí tối nay quả như không khí tối 30 vậy, chúng tôi được Trường Sa Đông thiết đãi một bữa cơm "tất niên" thịnh soạn với đầy đủ các món đặc sản nơi đảo xa, đặc biệt có món cá bò cuốn lá Tra, một loại cây được trồng phổ biến trên đảo.

Sau bữa cơm "tất niên" tuyệt vời có một không hai, chúng tôi được tham dự buổi giao lưu văn nghệ đậm chất lính đảo. Hội trường của buổi văn nghệ được trang trí rất đẹp, mâm ngũ quả có đầy đủ hoa quả, bánh kẹo, mứt, mang từ đất liền ra. Và đặc biệt là có quất Hà Nội do Câu Lạc Bộ Biển đảo quê hương trao tặng.

Dường như không khí tết từ đất liền đã được truyền ra đảo xa. Đó là niềm vui ánh lên từ nụ cười, ánh mắt trìu mến của cán bộ chiến sỹ Trường Sa Đông. Tình thân đồng chí, đồng đội được nhân lên gấp bội khi chiến sỹ cũ giao lưu với chiến sỹ mới, anh em hướng dẫn nhau cách trang trí mâm ngũ quả ngày tết, chia sẻ kinh nghiệm về cuộc sống trên đảo và cùng hát vang các bài hát về biển đảo quê hương.

Không khí tết ấm áp cùng tiếng hát của những người lính đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Đức Hùng/TTXVN

Tiếng hát của các anh vang vọng một góc trời, quyện vào tiếng sóng biển đang vỗ bờ để hoà cùng với âm thanh của biển trời Trường Sa, khiến chúng tôi không khỏi xúc động bồi hồi, càng thêm yêu Trường Sa và những người lính quên mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.

Không khí Tết trong hội trường chợt lắng đọng, khi người bạn đồng nghiệp trong đoàn báo chí chúng tôi là nhà báo Nguyễn Văn Thơi, báo Thái Bình, trao cho thiếu uý Nguyễn Văn Việt một món quà rất đặc biệt. Đó là những thước phim, những hình ảnh về đứa con mới 5 tháng tuổi của đồng chí Việt.

Do yêu cầu nhiệm vụ, anh Việt phải chia tay người vợ yêu quý của mình để ra công tác tại Trường Sa Đông đúng lúc chị trở dạ, nên anh chưa một lần được nhìn mặt con. Anh Việt không thể kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc khi được nhìn những hình ảnh thân thương của đứa con và người vợ thân yêu của mình.

Đồng chí Việt và nhà báo Nguyễn Văn Thơi (ở giữa). Ảnh: Đức Hùng/TTXVN

Đối với anh, đây là món quà quý giá nhất mà anh từng được nhận. Niềm vui của thiếu uý Việt được nhân lên gấp bội khi anh em cán bộ chiến sỹ trong toàn đảo ai cũng chúc mừng và chia vui cùng anh.

Sáng hôm sau, không khí nơi đây giống như ngày mùng một Tết. Chỉ huy đảo tổ chức cho bộ đội chào cờ và trồng cây đầu năm. Lần đầu tiên trong đời tôi được dự buổi chào cờ ngay giữa biển trời Trường Sa, không khí lúc đó thật là trang nghiêm và xúc động.

Hoạt động cuối cùng của các cán bộ chiến sỹ trên đảo trong dịp Tết này mà chúng tôi được tham gia đó là gói bánh chưng. Điểm đặc biệt của bánh chưng Trường Sa là được gói bằng lá bàng vuông.

Chính vì vậy, theo thiếu tá Nguyễn Đức Khánh, chính trị trị viên đảo Trường Sa Đông, bánh chưng Trường Sa vừa có vị mặn mòi của biển cả lại vừa có màu xanh và vị chát của lá bàng vuông, nhưng sau đó lại đem lại vị ngọt.

Nhà báo Đức Hùng cùng đoàn công tác tham gia gói bánh chưng ở Trường Sa Đông.

Có lẽ chiếc bánh chưng Trường Sa là biểu tượng cho triết lý sống của quân và dân nơi đây. Chính trong khó khăn gian khổ của nơi đầu sóng ngọn gió này, họ tìm thấy vinh quang và tự hào, đặc biệt là niềm tin yêu của nhân dân cả nước dành cho cán bộ, chiến sỹ và người dân Trường Sa.

Thấm thoắt, thời gian lưu trú trên đảo của chúng tôi đã hết. Cán bộ, chiến sỹ trên đảo bịn rịn chia tay chúng tôi. Một số chiến sỹ vội vã chạy đi lựa những vỏ ốc đẹp nhất làm quà cho các thành viên trong đoàn.

Đúng 14h, đoàn chúng tôi lên xuồng máy để trở lại tàu. Tuy nhiên, đó cũng là lúc sóng gió nổi lên như muốn níu chân chúng tôi ở lại đảo. Chiếc xuồng nhỏ bé, gặp gió lớn và sóng dữ cứ chòng chành, khó nhọc hướng về phía tàu.

Khi cách tàu khoảng 200m, xuồng chúng tôi bị sóng lớn đẩy chệch hướng so với tàu, hơn nữa những con sóng lừng đang vây lấy xuồng như muôn ngàn loài thuỷ quái muốn nuốt chửng chúng tôi, khiến xuồng nghiêng ngả như sắp lật.

Cả đoàn chúng tôi nhìn nhau căng thẳng, không ai nói với ai câu nào. Cậu đồng ngiệp trẻ tên Thơi của tôi lúc đầu rất hào hứng quay, chụp sóng biển, lúc này cũng bỏ luôn cả camera Go pro, không còn tâm trí đâu mà quay với chụp nữa.

Anh Đạo kiểm ngư viên của tàu KN-490, người điều khiển xuồng chúng tôi, lúc đó đã rất bình tĩnh, một mặt, anh điều khiển xuồng đi chếch so với các con sóng lừng nhằm giữ cho xuồng thăng bằng, rồi cho xuồng quay lại về hướng đảo, mặt khác, anh điện đàm cho tàu chạy về hướng xuồng. Khi thoát khỏi vùng nguy hiểm, xuồng lại vòng lại, chạy về tàu.

Khi xuồng đã về sát mạn tàu, do sóng lớn, nên sóng đánh vào mạn tàu rất mạnh, chiếc xuồng nhỏ bé của chúng tôi cứ như thể bị một gã khổng lồ nâng lên rồi hạ xuống ở khoảng cách từ 4-5m. Sau một hồi bị sóng biển vần vũ, cuối cùng xuồng cũng được các thuỷ thủ dùng dây thừng cố định đầu và đuôi xuồng sát vào mạn tàu.

Tuy vậy, do sóng gió dữ dội nên xuồng vẫn nhấp nhô hết sức nguy hiểm. Để lên tàu an toàn, người trên xuồng phải chớp thời cơ xuồng đang yên để lên tàu và kết hợp với sự trợ giúp của thuỷ thủ nữa. Rất may mắn cho đoàn chúng tôi, toàn bộ các thành viên trong đoàn đã trở về tàu an toàn.

Chiếc xuồng nhỏ vượt sóng gió đưa các thành viên đoàn công tác vào đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Đức Hùng/TTXVN

Đến với Trường Sa Đông quả là lắm gian truân, khi chia tay với Trường Sa Đông cũng lắm vất vả và hiểm nguy, thế nhưng Trường Sa Đông đã để lại cho chúng tôi biết bao những cảm xúc, những kỷ niệm đẹp về tình người, tình đồng chí, đồng đội, đặc biệt là triết lý về cuộc sống, sống vì mọi người, dám hy sinh, dũng cảm đương đầu với sóng gió cuộc đời, ắt sẽ gặt hái được thành công, đặc biệt là niềm tin yêu của mọi người, thứ tài sản vô giá mà nhiều người có vô số tiền của hay quyền lực cũng không thể mua được./.

>>> Nhật ký Trường Sa: Khi lính đảo xem bóng đá

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục