Nhật ký Trường Sa: Gặp người 22 năm gác Hải đăng Trường Sa

07:31' - 14/01/2018
BNEWS Quần đảo Trường Sa có tất cả 9 ngọn hải đăng thì người đàn ông trung niên với 22 năm gác hải đăng Trường Sa, đã đi qua tới 6 ngọn.

Hôm nay, thời tiết tiếp tục xấu đi. Gió đã mạnh lên cấp 9, sóng biển cao 3-4m, biển động dữ dội. Trưởng đoàn công tác quyết định cho tàu thả neo gần đảo Đá Tây để tránh sóng to, gió lớn.

Được nghỉ ngơi một ngày tại tàu, tôi mới có thời gian ghi lại câu chuyện của người trạm trưởng trạm Hải đăng Đá Tây B.

Anh Trịnh Văn Nguyên, 48 tuổi, quê Hải Phòng, đã có 22 năm công tác tại các ngọn hải đăng ở Trường Sa. Ảnh: Đức Hùng/TTXVN

Trong số cán bộ chiến sỹ trên đảo có mặt trong buổi làm việc với đoàn công tác ngày hôm qua, duy nhất có một người đàn ông trung niên, mặc bộ đồ dân sự màu ghi sáng, nước da ngăm đen, vầng trán cao, gương mặt cương nghị, mắt sáng. Đặc biệt, anh có bộ lông mày lưỡi mác rất nam tính.

Giới thiệu với chúng tôi, đồng chí Thượng uý Phạm Ngọc Thạch, chỉ huy đảo Đá Tây B cho biết, anh là Trịnh Văn Nguyên, 48 tuổi, quê Hải Phòng, hiện là trạm trưởng trạm Hải Đăng Đá Tây B. Được biết, nhân sự công tác tại Hải đăng Đá Tây B cũng thuộc đội hình dưới sự chỉ huy của chỉ huy đảo.

Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết đã có 22 năm công tác tại các ngọn hải đăng ở Trường Sa, trong đó 16 lần ăn tết ngoài đảo xa và 8 năm liên tiếp đón giao thừa ở Trường Sa. Ở quần đảo Trường Sa có tất cả 9 ngọn hải đăng thì anh đã đi qua 6 ngọn: Đá Tây, Đá Lát, Trường Sa lớn, An Bang, Tiên Nữ, Song Tử Tây.

Là một trong số ít người có nhiều năm gắn bó với Trường Sa, anh trải lòng với chúng tôi, Trường Sa là nơi có khí hậu rất khắc nghiệt, khi thì gió bão, mưa nhiều, lúc lại khô hạn, vì vậy, cuộc sống và sinh hoạt của nhân viên tại các trạm hải đăng rất vất vả.

Anh chia sẻ với chúng tôi một kỷ niệm đáng nhớ và ấm áp tình người, đó là vào dịp tết 2010, do sóng gió quá lớn, tàu hàng không ra được Trường Sa, trạm hải đăng của anh không nhận được tiếp tế, trong khi đó, lương thực, thực phẩm không còn gì, tới mắm muối cũng chẳng còn. Chỉ huy đảo đã lệnh cho toàn bộ lực lượng đảo hỗ trợ thực phẩm cho trạm.

Ngay lập tức, người cho đôi gà, người kia cho mắm muối, người tặng cân thịt, bánh chưng..., Tết năm đó, trạm hải đăng ăn tết to nhất đảo.

Trong số các ngọn hải đăng mà anh đã từng trải qua, thì Hải đăng Đá Lát là vất vả nhất. Anh cho hay, cơ sở vật chất tại ngọn hải đăng này đã bị xuống cấp nhiều, đặc biệt ngọn hải đăng bị gỉ sét làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của trạm.

Tuy phải xa nhà và gặp vô vàn khó khăn, nhưng anh Nguyên khẳng định, anh vẫn rất yêu nghề và tự hào về công việc của mình. Anh cho biết, trạm hải đăng của anh được đảm bảo hoạt động 24/24, giúp phân luồng và đảm bảo an toàn cho tàu bè đi qua đây.

Hơn nữa, anh còn tham gia hoạt động cứu hộ trên biển. Và đặc biệt nhất, theo anh, công việc của anh tại "điểm nóng" của quần đảo Trường Sa, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại khu vực này.

Ngày 12/1/2018, viết từ Đảo Đá Tây

>>> Lần đầu câu cá ở Trường Sa

>>> Nhật ký Trường Sa - Viết từ Đảo Đá Tây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục