Nhiều băn khoăn về Dự án hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Long Thành

14:17' - 13/11/2017
BNEWS Theo chương trình làm việc sáng 13/11, đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là phương án bố trí vốn và vấn đề quy hoạch Dự án.

* Sớm quy hoạch thành phố Long Thành

Theo các đại biểu, cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa bao quát hết phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án; cần làm rõ phương án phục hồi sản xuất và thu nhập cho người dân tái định cư, đặc biệt là phương án bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ tái định cư nông nghiệp.

Chỉ trong vòng bốn tháng sau Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội có Nghị quyết cho phép tách thành một dự án riêng, đến nay Chính phủ đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, cho thấy sự quyết tâm rất cao, sự cố gắng rất lớn của các cơ quan của Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ ấn tượng với phần mô tả về thiết kế kỹ thuật của dự án.

Tuy nhiên, đại biểu Cường cho rằng Dự án này còn thiếu dữ liệu chi tiết để tính toán chắc chắn, chính xác quy mô đất cần thu hồi, tổng bồi thường, phương án hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp, tái định cư; chưa đánh giá đầy đủ tác động của Dự án.

“Cần tính kỹ được, mất khi quy hoạch hai khu tái định cư”, đại biểu Cường cảnh báo. Đại biểu phân tích, theo báo cáo, trong giai đoạn 2018 – 2019 sẽ xây dựng xong một khu tái định cư với diện tích 280 ha và có 4.823 lô đất, trong đó 98% dành để tái định cư cho hơn 4.000 hộ.

Giai đoạn 2019 – 2020 xây dựng tiếp khu tái định với diện tích 282,79 ha, phân thành 1.539 lô đất và có 30% để tái định cư cho 469 hộ.

Phương án này, ngoài diện tích tái định cư còn dư ra 1.166 nền đất để xây dựng nhà ở theo mô hình phát triển khu đô thị mới.

Song, việc xây khu tái định cư có bất cập: Với những khu vực quy hoạch xây dựng đô thị mới thì giá đất trên thị trường thay đổi hàng ngày.

Trong khi 4.727 hộ khu tái định cư giai đoạn 1 đã nhận đền bù xong trong giai đoạn 2018 – 2019 thì 469 hộ ở giai đoạn hai đến năm 2020 mới đền bù, di dời tái định cư, khi đó giá đất trên thị trường tăng lên rất nhiều.

“Khi đó thực hiện đền bù theo giá thị trường hay giá giai đoạn trước? Đây chính là nguyên nhân gây khiếu kiện trong giải phóng mặt bằng và đền bù tái định cư hiện nay”, đại biểu đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Cường, khu vực sân bay Long Thành sẽ hình thành khu đô thị mới theo hướng dịch vụ và trung tâm phát triển gần sân bay với hàng ngàn ha.

Việc hình thành khu tái định cư tại Bình Sơn với quy mô 289,79 ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành thành phố sân bay hiện đại trong tương lai tại khu vực này.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị chỉ nên quy hoạch một khu tái định cư và điều chỉnh lại quy mô của những lô đất đã quy hoạch tái định cư với diện tích quá lớn từ 250 – 300m2.

Tái định cư với những lô đất lớn như vậy là không phù hợp với điều kiện của những người dân phải tái định cư ở khu vực đó. “Với điều kiện đó chỉ cần một khu tái định cư là có thể đủ đảm bảo”, đại biểu nói.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm quy hoạch một thành phố Long Thành song song với việc xây dựng sân bay Long Thành để mang lại nguồn thu và tạo nên một trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam bộ.

Đưa ra các số liệu về quy hoạch khu nghĩa trang tại xã Bình An, e ngại “với quy hoạch và tầm nhìn cho dự án như thế thì Long Thành rất khó trở thành thành phố sân bay mà trở thành một thành phố nghĩa trang”, đại biểu Cường đề nghị tính toán lại, cần cân nhắc giữa lợi ích trước mắt rất lớn nhưng hậu quả tương lai lâu dài, cản trở sự phát triển của cả một khu vực trung tâm Đông Nam bộ.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thì cho rằng chúng ta đang triển khai một dự án rất lớn, trong tâm thế xã hội dường như cứ có dự án nào lại nảy sinh hoài nghi là có tiêu cực đằng sau không?

Vì thế, sự thận trọng của Quốc hội khi xem xét Dự án này là hết sức cần thiết.

Ghi nhận Chính phủ, tỉnh Đồng Nai đã nghiêm túc, xem xét các ý kiến khác nhau, đề xuất, thắc mắc của đại biểu Quốc hội và cử tri, đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị sớm thúc đẩy công trình này đi vào thực hiện vì 12 năm qua, gần như đây là dự án treo; đồng thời cần có sự giám sát chặt chẽ, tránh tiêu cực phát sinh như nhiều dự án đã triển khai.

Đại biểu mong muốn Nghị quyết của Quốc hội bên cạnh việc điều chỉnh cụ thể về kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi của dự án này, cần nhấn mạnh đến những yếu tố để giám sát việc thực thi.

“Chúng ta đã có rất nhiều dự án lớn không phải là “đầu voi, đuôi chuột”, mà là “đầu chuột, đuôi voi”, đưa ra thì rất đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng cuối cùng dự án phình ra ghê gớm, tạo ra bức xúc của người dân, tạo ra nợ công”, đại biểu Quốc nói.

Theo đại biểu, có sự giám sát chặt chẽ để mang lại niềm tin mới cho người dân. Nếu câu chuyện của Long Thành thành công, sẽ là tiền đề thuận lợi để chúng ta giải quyết những công trình sau này.

Thực tiễn cuộc sống phát triển hết sức phức tạp, muốn điều chỉnh tốt thì phải giám sát tốt để hạn chế tối đa những tiêu cực xảy ra, củng cố thêm lòng tin của người dân đối với những công trình lớn mà nhu cầu phát triển đất nước đang đòi hỏi phải tiến hành.

* Băn khoăn về nguồn lực tài chính

Băn khoăn về vấn đề nguồn lực tài chính để thực hiện Dự án, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng: Chính phủ trình Quốc hội bố trí 23 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, hơn 18 nghìn tỷ đồng sẽ phải lấy từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tuy nhiên, theo quy định, nguồn này chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách Nhà nước đảm bảo kế hoạch.

Trong thời gian này, ngân sách Nhà nước đang hết sức khó khăn, có thể thu không đạt kế hoạch. Như vậy sẽ khó sử dụng nguồn dự phòng này.

Thiên về phương án 1 là bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội và 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu; trường hợp không đủ thì bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, phương án này khả thi hơn vì Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó bố trí 80 nghìn tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia vào kế hoạch 2016 – 2020.

Nếu thực hiện phương án 2 là ngân sách Trung ương bố trí bổ sung kinh phí 17.938 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dự án thì theo đại biểu, đây là dự phòng của từng khoản mục, từng địa phương, ngành, bộ, do đó không thể lấy của địa phương này sang địa phương khác mà phải có một kế hoạch rất chi tiết, cụ thể.

“Phương án 1 tuy còn có cái để bàn luận nhưng là phương án khả thi nhất, thể hiện sự cấp bách và có thể giải ngân được ngay. Còn sử dụng khoản dự phòng là cần phải qua nhiều bước và có thể liên quan đến nhiều địa phương”, đại biểu Ngân cảnh báo.

Cũng theo đại biểu Ngân, diện tích đất thu hồi sẽ là 5400 ha, trong khi giai đoạn đầu chỉ sử dụng 1.165 ha, vậy còn trên 4.000 ha, trong đó có 1.000 ha đất quốc phòng.

Đặt câu hỏi làm gì với diện tích đất còn lại, đại biểu nhấn mạnh đến vấn đề tái lấn chiếm đất đã thu hồi.

“Việc Quốc hội chính thức giao UBND tỉnh Đồng Nai được khai thác và sử dụng quỹ đất đã thu hồi này là cần thiết”, đại biểu Ngân nói và cho rằng các cơ quan trong hệ thống chính trị cần tăng cường khâu giám sát.

Chủ đầu tư cũng phải đảm bảo giám sát thường xuyên để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Khi đưa vào khai thác, sử dụng nên ưu tiên các hộ dân, các doanh nghiệp đã nhận tiền thu hồi đất, nhận tiền đền bù, nhưng muốn thuê lại mặt bằng để khai thác, thời gian có thể từ 5 năm đến 10 năm.

Tiền đó thu lại để đưa vào dự án, làm giảm khoản chi đầu tư xây dựng, đây là khoản có thể thực hiện được ngay.

Đại biểu cũng lưu ý đến việc kết nối hạ tầng đồng bộ giữa cảng hàng không Long Thành với các tuyến đường Bến Lức – Long Thành, những đường cao tốc để khai thác hiệu quả nhất.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) phân tích “phương án 1 phải dùng 2900 tỷ đồng thu hồi từ tiền sử dụng đất, giao tái định cư giai đoạn đầu.

Dự kiến nếu không thu được thì chúng ta có thể dùng nguồn dự phòng vốn trung hạn”.

Đại biểu Hạ đề nghị Chính phủ cung cấp rõ thông tin cho đại biểu về các phương án, để đại biểu có thể yên tâm nhấn nút.

Nghị quyết của Quốc hội cũng cần có điều khoản yêu cầu Chính phủ định kỳ báo cáo để Quốc hội nắm, giám sát kết quả thực hiện.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, xây dựng sân bay Long Thành là đòi hỏi cấp thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Đây là Dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều hộ dân nên Bộ rất thận trọng khi thực hiện.

Sau khi Quốc hội có ý kiến, Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc sẽ thực hiện, lên phương án triển khai sao cho công khai minh bạch.

Những vấn đề thuộc thẩm quyền sẽ thống nhất thực hiện, những gì vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội để thực hiện tốt nhất./.

Xem thêm:

>>>Quốc hội cho ý kiến về Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành

>>>Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục