Nhiều di sản thế giới bị đe dọa do biến đổi khí hậu

20:05' - 27/05/2016
BNEWS Tượng Nữ thần Tự do, khu rừng gorilla tại Uganda, bãi đá cổ Stonehenge ở Anh, thành phố Venice tại Italy... nằm trong số nhiều Di sản Văn hóa Thế giới bị đe dọa hủy hoại do biến đổi khí hậu.
Nhiều di sản thế giới bị đe dọa do biến đổi khí hậu. Ảnh: DM

Đây là kết luận trong một báo cáo do nhiều cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) thực hiện và công bố ngày 26/5.

Báo cáo trên, với sự tham gia của Trung tâm Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) và Hiệp hội các nhà khoa học quan tâm môi trường (UCS), nhấn mạnh sự biến đôi khí hậu nhanh chóng trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với các Di sản Thế giới.

Sau khi xem xét các dữ liệu và nhiều báo cáo, các nhà nghiên cứu cảnh báo 31 Di sản Thế giới tại 29 quốc gia đang bị đe dọa từ tình trạng biến đối khí hậu ngày càng nghiêm trọng, trong đó có các rạn san hô, các khu rừng nhiệt đới, sa mạc, các di tích khảo cổ... Tác giả Adam Markham nhận định cho đến thời điểm hiện tại, tất cả di sản trên đều phải chịu các tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan.

Các trận siêu bão, nước biển dâng đang đe dọa Tượng Nữ Thần Tự do ở thành phố New York; hạn hán và nắng nóng đe dọa công viên quốc gia Bwindi tại Uganda; các cơn bão, tình trạng ngập lụt đe dọa bãi đá thời tiền sử Stonehenge; thành phố Venice nổi tiếng của Italy bị tình trạng nước biển dâng đe dọa.

Hồi tháng 12 năm ngoái, đại diện của 195 quốc gia đã đạt được Thỏa thuận Paris về chống biển đổi khí hậu, theo đó các nước cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và cố gắng giới hạn ở mức 1,5 độ C.

Các nhà khoa học LHQ nhận định văn kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ các di sản thế giới cho các thế hệ sau.

Tuy nhiên, mức tăng 2 độ C được nhìn nhận là không đủ để ngăn chặn các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nước biển tiếp tục dâng cao, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn, nước sạch ngày càng khan hiếm. Trong trường hợp nhiệt độ vượt qua mức trần này thì tác động sẽ nghiêm trọng theo cấp số nhân.

Theo UNESCO, khoảng 1.000 di sản trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực du lịch và cuộc sống của người dân bản địa. Gần 50% trong số này lại đang chịu tác động từ các hoạt động công nghiệp như khai thác than, khai thác dầu mỏ, phá rừng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục