Di sản thiên nhiên thế giới có nguy cơ bị hủy hoại vì hoạt động công nghiệp

16:37' - 06/04/2016
BNEWS Một nửa các di sản thiên nhiên thế giới đang bị đe dọa do các hoạt động công nghiệp gây hại của con người như khai mỏ, nạo vét sông ngòi và khoan dầu.
Di sản thiên nhiên thế giới - rặng san hô Great Barrier của Australia - có nguy cơ bị hủy hoại vì hoạt động công nghiệp của con người. Ảnh: miragewhitsundays.com.au

Báo cáo của tổ chức Các Chuyên gia tư vấn phát triển toàn cầu gửi Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết trong số các di sản thiên nhiên bị đe dọa có cả rạn san hô lớn Great Barrier của Australia, Công viên quốc gia Grand Canyon của Mỹ và Khu bảo tồn gấu trúc Tứ Xuyên ở Trung Quốc.

Theo báo cáo trên, rạn san hô Great Barrier có nguy cơ biến mất sau các hoạt động khai thác than, trong khi Grand Canyon bị đe dọa bởi tình trạng sử dụng nước không hợp lý và khu bảo tồn gấu trúc gặp nguy cơ từ hoạt động khai thác dầu khí.

Nghiên cứu cho biết khoảng 11 triệu người trên toàn thế giới sống dựa vào các di sản như nguồn thức ăn, nguồn nước, nơi cư trú, thuốc men và sự phát triển không tốt đều có thể ảnh hưởng tới các di sản. 90% các di sản mang lại công ăn việc làm và lợi ích cho người dân.

Từ thực tế này, WWF kêu gọi chính phủ các nước không cho phép tiến hành các hoạt động công nghiệp ở các vị trí gần di sản hoặc các khu vực có thể gây ảnh hưởng, đồng thời các doanh nghiệp phải cam kết không triển khai các dự án gây ảnh hưởng tới các di sản.

Tại châu Âu, Công viên quốc gia Donana ở Tây Ban Nha cũng nằm trong danh sách gặp nguy cơ. Công viên này là nơi sinh sống của nhiều loài chim, trong đó có hồng hạc và loài linh miêu Iberian có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, đây cũng là nơi có rất nhiều kế hoạch mở cửa trở lại một mỏ từng gây ra thảm họa môi trường những năm 1990.

Giám đốc điều hành WWF chi nhánh ở Anh David Nussbaum cho biết các di sản chiếm khoảng 0,5% bề mặt Trái Đất và nằm ở những vị trí đặc biệt và giá trị nhất trên thế giới.

Theo ông Nussbaum, những nơi này đóng góp vào nền kinh tế các nước thông qua du lịch và các tài nguyên thiên nhiên, mang lại nguồn sống cho hàng triệu người, đồng thời đóng góp vào hệ sinh thái giá trị nhất trên thế giới.

Ông kêu gọi các nước cùng nhau hành động để bảo đảm rằng những di sản này được bảo vệ đúng đắn, ví dụ như cần hủy bỏ những hoạt động công nghiệp gây hại và tập trung vào các hoạt động thay thế phù hợp để làm tăng giá trị của các di sản, tăng giá trị và lợi ích mà các di sản mang lại, đặc biệt là cho cộng đồng địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục