WWF cảnh báo một nửa số di sản thiên nhiên thế giới đang bị đe dọa

10:33' - 07/04/2016
BNEWS WWF cho biết 114 trên 229 địa danh thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản thế giới đang bị đe dọa do các hoạt động kinh tế và sản xuất công nghiệp.
Khu bảo tồn động vật hoang dã Selous, di sản thiên nhiên thế giới tại Tanzania đang bị đe dọa. .Ảnh: wikimedia

Trong báo cáo công bố ngày 6/4, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết 114 trên 229 địa danh thiên nhiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới đang bị đe dọa do các hoạt động kinh tế và sản xuất công nghiệp.

Báo cáo nhấn mạnh rằng việc xuống cấp các địa danh thiên nhiên này ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội và môi trường của khoảng 11 triệu người, trong đó có hơn một triệu người sống trực tiếp trong các địa danh được công nhận là di sản của thế giới.

Rừng ngập nước của Madagascar, Vườn quốc gia tại Tây Ban Nha và tại Mauritania, Khu bảo tồn động vật tại Tanzania là những di sản thế giới đặc biệt bị ảnh hưởng bởi các hoạt động kinh tế như thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt, khai thác khoáng sản, chặt phá rừng trái phép, xây dựng các công trình và cơ sở hạ tầng, tận diệt đánh bắt thủy sản và khai thác cạn kiệt tài nguyên nước.

Quần thể rừng ngập nước nhiệt đới trên đảo Sumatra của Indonesia là một ví dụ điển hình.

Quần thể này bao gồm 3 vườn quốc gia và nơi chứa nước khổng lồ cung cấp nguồn nước cho hàng triệu người.

Nhưng các cánh rừng này đang bị ô nhiễm bởi khai thác gỗ, khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt.

Ở Tây Ban Nha, Vườn quốc gia Donana, hàng năm có đến hàng triệu con chim đến di cư, cũng bị ô nhiễm nặng do chất thải khai khoáng như là bùn độc hại và nước axít.

Tại Tanzania, khu bảo tồn động vật hoang dã Selous phải đối mặt với những nguy hiểm như hoạt động khai khoáng, khai thác dầu mỏ, xây dựng đường và nhà máy thủy điện.

Rặng san hô Belize ở châu Mỹ, gồm 7 vùng được bảo vệ, cũng bị đe dọa từ năm 2009.

Việc xây dựng các bãi biển, nhà nghỉ và khai thác dầu đã làm tổn hại hệ sinh thái đa dạng của địa danh này.

Tuy nhiên, có những điểm sáng trong quản lý di sản thiên nhiên thế giới, tạo nên động lực cho phát triển kinh tế, như quản lý tốt việc đánh bắt thủy sản và du lịch tại rặng san hô Tubbataha ở Philippines hoặc Vườn quốc gia Chitwan ở Nepal đã dành một nửa doanh thu cho cộng đồng địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục