Nhiều giải pháp ngăn chặn người dân đi lao động trái phép ở nước ngoài

17:30' - 24/03/2018
BNEWS Tình trạng người dân huyện miền biển Hậu Lộc, Thanh Hoá đi làm việc trái phép ở nước ngoài, nhất là Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết.
Những năm gần đây, tình trạng người dân huyện miền biển Hậu Lộc (Thanh Hóa) sang nước ngoài, đặc biệt là sang Trung Quốc, lao động trái phép đã giảm. Tuy nhiên, Hậu Lộc vẫn còn nhiều lao động đi làm việc trái phép ở nước ngoài.

Thông thường, các đối tượng đang làm việc trái phép ở nước ngoài về quê ăn Tết, sau đó rủ bạn bè cùng vượt biên để đi lao động. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do người dân gặp khó khăn kinh tế, thiếu việc làm. Các lao động này do nhận thức về pháp luật còn hạn chế, bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa đảo đưa ra nước ngoài lao động bất hợp pháp với mức lương từ 6-12 triệu đồng/tháng.

Khi ra nước ngoài, số lao động này phải sống chui lủi, làm việc nặng nhọc, gặp nhiều rủi ro, thu nhập không đảm bảo, không được hưởng các chế độ bảo hiểm do không có hợp đồng lao động hợp pháp. Một số người đã bị các cơ quan chức năng nước bạn phát hiện, bắt giam, phạt tiền, trục xuất về nước.

Bà Nguyễn Thị Thu, trú tại thôn Vạn Thắng, xã Đa Lộc cho biết, do nhà nghèo, bố bị ung thư nên con trai bà là Vũ Văn Lâm (27 tuổi) đã vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép. Sang bên đó, anh Lâm phải làm từ 7 giờ đến 22 giờ mới được nghỉ. Hàng tháng, anh Lâm gửi về 6 triệu đồng cho bà. Đến nay, đã gần một năm, bà rất ít khi được nói chuyện với con trai, bởi anh Lâm bà không được dùng điện thoại. Bà Thu mong muốn chính quyền sớm có giải pháp đưa con trai bà về nước đoàn tụ với gia đình.

Cũng là địa phương có nhiều người đi lao động trái phép, những năm qua, xã Hòa Lộc đã tích cực tuyên truyền, vận động những lao động làm việc trái phép ở nước ngoài về nước. Các công dân này chủ yếu làm nghề nhựa và đánh cá, một số người đã bị mất liên lạc với gia đình.

Ông Đỗ Văn Trác, thôn Hòa Ngư, xã Hòa Lộc, cho biết con của ông là anh Đỗ Văn Hùng đi xuất khẩu lao động “chui”. Khoảng một năm trước, nghe bạn bè rủ, anh Hùng xin bố 6 triệu đồng và nói với ông Trác là ra Quảng Ninh làm thuê, nhưng thực chất là sang Trung Quốc làm đồ nhựa cho một nhà xưởng. Gần 2 tháng sau, anh Hùng gọi điện về cho biết, anh đang làm việc ở Trung Quốc với mức lương 7 triệu đồng/tháng, nhưng tháng lương đầu bị chủ nhà giữ nên anh không có tiền gửi về nhà. Sau đó, ông Trác không liên lạc được với con nữa.

Là một người đã từng đi lao động “chui” ở Trung Quốc, chị Trịnh Thị Sáo, thôn Hòa Hải, xã Hòa Lộc, cho biết Tết năm 2007, nghe bạn bè giới thiệu sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao nên chị đã đi. Khi sang Trung Quốc, chị làm nhiều nghề, từ giúp việc cho đến công nhân làm nhựa. Do bị người sử dụng lao động ép làm nhiều giờ, lại không được pháp luật nước bạn ủng hộ, nên chị quyết định về quê sau 3 tháng làm việc.

Trước tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc đang còn nhiều, UBND huyện Hậu Lộc đã chỉ đạo các xã cử cán bộ đến những gia đình có con, cháu đi lao động trái phép để tuyên truyền, vận động con em về nước. Đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Công an huyện, Đồn Biên phòng Đa Lộc tăng cường tuần tra, quản lý chặt hộ khẩu nhằm kịp thời ngăn chặn các đối tượng có hành vi lôi kéo, tổ chức đưa dẫn người đi lao động trái phép ở nước ngoài.

Ông Hoàng Quốc Hà, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hậu Lộc cho biết, để ngăn chặn tình trạng người dân đi lao động trái phép, huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Huyện cũng ưu tiên phát triển kinh tế biển nhằm tạo việc làm cho lao động các xã ven biển.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay vốn đi xuất khẩu lao động, tạo việc làm cho lao động. Đối với một số xã có nhiều lao động ra nước ngoài trái phép, UBND huyện Hậu Lộc sẽ tổ chức cho nhân dân ký cam kết không xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép.

Huyện Hậu Lộc kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Huyện cũng mong muốn lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, quản lý hộ khẩu, triệt phá các đường dây môi giới đưa lao động ra nước ngoài làm ăn trái phép./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục