Nhiều quan ngại về gánh nặng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp

13:41' - 21/05/2017
BNEWS Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa diễn ra ở Hà Nội, tập hợp nhiều ý kiến và sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chính là các chi phí kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Báo cáo khảo sát năm 2017 về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, cho thấy chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao hơn so với các nước trong cùng khu vực như Singapore, Malaysia… Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam đang cao gấp gần 49 lần so với Philippin.

Chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam được cho là cao gấp gần 49 lần so với Philippin. Ảnh: Minh họa

Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, tức là ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore.

Ngòai ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philipin. Đây thực sự là vấn đề rất đáng quan ngại, bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tới năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đã chỉ ra rằng, chi phí về logisticsluôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Ví dụ như để vận chuyển 1 container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ngược lại (trong khoảng cách 100km), chi phí sẽ đắt gấp ba lần so với vận chuyển 1 container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Ngoài ra, còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển… Hay như thuế xuất nhập khẩu mới. Giá cả nguyên liệu đầu vào sản xuất của các công ty sản xuất bao bì nhựaluôn bị ảnh hưởng bởi thuế xuất nhập khẩu mời. Các công ty này luôn phải chịu mức thuế nhập khẩu mới tăng gấp ba lần kể từ đầu tháng 1-2017.

Việc áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP lên mức 3% tác động trực tiếp vào cơ cấu giá thành sản phẩm và gián tiếp tác động đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Vấn đề chi phí vay vốn, những rủi ro vay nợ, nhất là nợ ngắn hạn cũng luôn khiến các doanh nghiệp “đau đầu”.

Ở góc độ các ngân hàng cho vay, thì để đảm bảo cho doanh nghiệp có chính sách giá cạnh tranh hơn, cần có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn vay từ nợ ngắn hạn (tài trợ kinh doanh) sang gia tăng tỷ trọng nợ dài hạn nhằm ổn định trần chi phí lãi vay.

Cùng với đó, chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong nước đang quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô trung bình trở xuống tại Việt Nam không thể chi trả những khoản phí cao để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi nên thường bị lép vế so với các đối thủ quốc tế, vốn là những nhà bán lẻ danh tiếng, giàu kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vững mạnh hơn.

Giá thuê mặt bằng cũng là nguyên nhân dẫn đến các chuỗi nhà hàng, dịch vụ ăn uống và bán lẻ nội địa bị lép vế hơn so với hầu hết các chuỗi bán lẻ của nước ngoài. Cuối cùng và đáng ngại nhất là vấn đề chi phí không chính thức.

Theo kết quả nghiên cứu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI-2016) do VCCI công bố trước đây, có tới 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận đã phải trả loại phí này. Nhìn chung, tình hình không có mấy cải thiện qua các năm.

Có từ 9% đến 11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014- 2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6% đến 8% giai đoạn 5 năm trước.

Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó. Các doanh nghiệp thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện./.

Xem thêm:

>>Khoảng 1500 doanh nghiệp dân doanh dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017

>>Cách nào tiếp cận lãi suất giảm?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục