Nhiều thành phố có khả năng thiếu nước sinh hoạt vì hạn, mặn

21:03' - 21/02/2016
BNEWS Nhiều thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu nước sinh hoạt từ cuối tháng 2 trở đi là Bến Tre, Trà Vinh, Rạch Giá và Vị Thanh.
Khu vực Nam Bộ có khả năng xuất hiện khô hạn gay gắt ngay trong nữa đầu năm 2016. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Theo Viện khoa học thủy lợi Việt Nam, lượng mưa khu vực Nam Bộ phổ biến thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 30 – 50%. Bên cạnh đó, khu vực Nam Bộ có khả năng xuất hiện khô hạn gay gắt ngay trong nữa đầu năm 2016.

Khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt làm cho nhiều thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu nước sinh hoạt từ cuối tháng 2 trở đi là Bến Tre, Trà Vinh, Rạch Giá và Vị Thanh.

Phó giám đốc Viện khoa học thủy lợi Việt Nam Tăng Đức Thắng, cho rằng các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh.

Cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý. Một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn nước ngọt cần phải xem xét lựa nhọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, cho biết do mặn xâm nhập, hồ chứa nước tại thành phố Rạch Giá nhiều ngày không thu được nước ngọt để phục vụ nước sinh hoạt.

Tỉnh Kiên Giang đã chi 15 tỷ đồng khoan mới 12 giếng nước ngọt và phục hồi hai giếng cũ tại thành phố Rạch Giá để lấy nước ngọt, cũng như lập dự án xây dựng thêm một hồ chứa nước ngọt ở Rạch Giá sức chứa một triệu m3.

Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh, cho biết tỉnh đã chỉ đạo khoan ngay 6 giếng nước ngầm tại thành phố Vị Thanh, nhằm lường trước tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt tại đây.

Ngoài ra, tỉnh cũng cho làm ngay trạm cấp nước ở huyện Long Mỹ để nâng công suất phát nước do khu vực này và vùng phụ cận, khi tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng đang ngày một cận kề.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa khô năm 2015 – 2016 tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là rất nghiêm trọng, đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

Hiện nay, dòng chảy thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng đang diễn biến rất phức tạp, do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Để có thông tin kịp thời về xâm nhập mặn, nguồn nước và xây dựng kế hoạch, các giải pháp chống hạn, mặn, đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo mặn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục